Một ngày ở vùng biên giới

Một ngày ở vùng biên giới

Một ngày ở vùng biên giới
Hưng Điền B giờ đây trở thành một xã biên giới sôi động của huyện Tân Hưng (Long An)

1. Sau ba giờ đi xe máy, chúng tôi đã đến được nhà anh Phan Minh Hùng. Nhà anh nằm ở ấp Kinh Cũ, xã Hưng Điền B bên con đường Tân Thành - Lò Gạch chạy thẳng về xã Hưng Điền. Anh bảy Hùng (người dân ở đây vẫn gọi anh với cái tên thân mật như thế) giải thích với khách, con đường này nằm cạnh con kinh Tân Thành - Lò Gạch nên dân gọi theo tên con kinh luôn. Có thể sắp tới sẽ mở rộng rồi tráng nhựa, lúc đấy chắc “sung” lắm. Anh bảy Hùng cho hay, dân ở đây làm lúa là chủ yếu, chính vì thế những năm gần đây, nhiều hộ đều có máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho việc đồng áng. Nhà anh Hùng cũng có hai máy gặt đập liên hợp hoạt động quanh năm. “Xã này có máy gặt đập nhiều nhất ở huyện đó, đâu trên 100 chiếc” - Anh Bảy Hùng khoe. Chính vì thế, khi vào vụ, trên vùng đất lúa hơn 4.300 ha, nhiều nhất Tân Hưng này, lại reo lên không dứt tiếng máy “ăn lúa”, khiến vùng biên giới sôi động hẳn lên.

“Lai rai chút nha” - Anh Hùng cười hồn hậu. Kim đồng hồ trên tường nhà anh chỉ con số 9. Sợ khách hiểu lầm, anh Hùng liền nói thêm: “Chủ yếu nói chuyện chơi thôi. Có khách nên mới có “chút đỉnh”. Bằng không là tui đi làm suốt ngày.” Anh Hùng gọi thêm hai người đến. Anh Phong làm nghề tiện. Anh Uôn chạy máy. Bàn tiệc nhanh chóng được dọn lên nhờ sự đảm đang của chị Nhẹ, vợ anh Hùng. Trước mặt chúng tôi bây giờ là những món ăn đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười.

“Vùng đất này dân tứ xứ nhiều lắm, chú à. Đất lành thì chim đậu thôi” - anh Hùng khề khà. Có người như anh Phong từ các tỉnh phía nam của tỉnh Long An lên đây làm ăn rồi “mọc rễ” ở vùng đất này luôn, nhưng cũng có người từ các tỉnh khác, hàng năm theo thời vụ lại đến Hưng Điền B để tiếp tục công việc mưu sinh của mình mà anh Uôn, anh Tên là những điển hình. Anh Phong kể, quê anh ở Thủ Thừa, Long An. Cách đây hơn 15 năm, anh lên xã Hưng Điên B này để phụ người bà con làm nghề hàn, tiện. Đi với hai bàn tay trắng, anh Phong chỉ biết chăm chỉ làm ăn ở vùng đất còn nhiều mới lạ với mình. Thấy anh chịu khó, tay nghề lại giỏi nên người bà con bèn giao cho anh làm chủ cửa tiệm. Công việc ngày càng thuận lợi, anh mua thêm ruộng đất rồi lập gia đình. “Giờ Hưng Điền B coi như là quê hương thứ hai của tôi rồi” - Anh Phong cười hiền lành. Anh Uôn thì khác. Anh có nhà cửa, vợ con đàng hoàng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng vì công việc, “số ngày tui ở Hưng Điền B còn nhiều hơn ở nhà.” Trước đây, anh Uôn chạy máy gặt cho anh bảy Hùng. Giờ anh chuyển sang làm cho chủ khác. Đến mùa, anh chạy từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, mặc cái nóng cứ hừng hực, mặc làn da ngày càng đen sạm đi. Đến tối về, anh chui xuống ghe của mình mà ngủ. Đó là ngôi nhà thứ hai của anh, đã cùng anh lênh đênh theo dòng đời này cũng gần 20 năm. Hỏi anh đi xa vầy có nhớ nhà không, anh cười ngại ngùng: “Lâu lâu tui cũng điện về nhà hỏi thăm. Có lúc bả không nghe máy thì mình cũng lo, tranh thủ sắp xếp chạy về nhà kiểm tra thế nào rồi lại lên đây liền.” Nghe anh Uôn nói “kiểm tra”, mọi người như hiểu ẩn ý trong đó liền cười một trận lớn, khiến anh càng thêm ngượng ngùng không biết nói gì ngoài việc cạn hết ly rượu.

Một ngày ở vùng biên giới
Nhà anh Phan Minh Hùng treo đầy bằng khen, giấy khen của gia đình

2. Gió từ cánh đồng thổi lên. Chúng tôi như hít vào cả mùi hương lúa mới. Ly rượu vẫn chậm rãi được chuyền qua tay từng người. Anh Hùng bật mí, xã biên giới Hưng Điền B bây giờ phát triển nhiều lắm rồi, nên hầu như người nông dân nào cũng có điện thoại để đi làm ăn hay dùng trong sinh hoạt gia đình. “Bây giờ có di động mới làm ăn được chú à, mọi thứ đều phải nhờ đến con dế này” - anh Hùng dốc cạn ly rượu. Theo anh Hùng, có điện thoại di động, mối quan hệ giữa nông dân, với mấy ông cò cũng thuận lợi hơn. Chỉ cần một cú điện thoại, mình sẽ biết đám ruộng nào cần làm đất, cần thu hoạch, vùng nào đang “khát” máy để mình đưa máy đến. Đồng tình với ý kiến của anh Hùng, anh Uôn cho rằng, có điện thoại di động trong tay, anh không phải lo đến chuyện không có ai kêu mình chạy máy mướn. “Không cần điện thoại đời mới, chỉ cần nghe, gọi tốt là được rồi, khi ai cần đến mình thì cứ việc gọi” - anh Uôn tâm sự.

Có điện thoại, công việc làm ăn của người nông dân nơi biên giới trở nên thuận lợi hơn là điều “hai lúa” nào cũng công nhận. Tuy nhiên, lợi ích của điện thoại di động, của công nghệ không dừng lại ở đó. Với người dân vùng biên giới, giữ gìn an ninh trật tự là một điều vô cùng quan trọng. Chính vì thế, chiếc điện thoại ngoài việc giúp người dân liên lạc dễ dàng trong chuyện làm ăn thì nó còn giúp cho bà con trong việc phát hiện ra kẻ gian để bảo vệ bình yên nơi biên giới. Anh Phong chia sẻ, khi thấy có người lạ đến vùng này, chúng tôi sẽ điện thoại báo với lực lượng công an, dân quân hay biên phòng liền. Chính vì thế, tình hình kẻ lạ đến quậy phá, gây rối ở vùng Hưng Điền B này ít xảy ra vì người dân luôn đề cao ý thức cảnh giác giữ gìn an ninh trật tự. “Nhiều khi đi làm ngoài đồng, thấy có đối tượng lạ có hành vi không rõ ràng, chúng tôi liền lấy di động ra để gọi cho lực lượng chức năng. Kẻ xấu vì thế mà rất “ngán” hoạt động ở vùng này” - anh Phong tâm sự thêm.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội,chuyện người dân biên giới chơi Facebook, xem thông tin trên mạng cũng không còn là chuyện mới mẻ gì. Anh Hùng khoe, tuy là nông dân, nhưng nhà anh đều có nối mạng để cho mấy đưa con có điều kiện học hành, nâng cao hiểu biết. Chính vì sự đầu tư đó mà 3 người con anh Hùng đều học giỏi và nên người. Đứa lớn nhất vừa tốt nghiệp đại học Kinh tế và đang về phục vụ cho huyện nhà. Đứa thứ hai thì vừa bước vào năm nhất đại học. Đứa út thì đang học lớp 8. Con út anh cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ cho việc học nên năm nào cũng đứng nhất nhì của lớp và của khối.

Tuy vậy, không phải người nông dân nào cũng biết sử dụng công nghệ để hỗ trợ cho công việc, cuộc sống của mình tốt hơn. Nhiều ông “hai lúa” lợi dụng điện thoại để “mèo mả gà đồng” mà nếu không biết “thắng” kịp, mái ấm gia đình sẽ không còn giữ được ngọn lửa hạnh phúc. Anh Uôn kể, người dân trong xã Hưng Điền B không ai là không biết trường hợp của anh M. Lợi dụng điện thoại di động, anh M bèn ra vẻ ăn chơi khi quen với mấy em gái bán cà phê. Một lần, vợ anh M phát hiện định làm dữ, nhưng do vợ anh không rành điện thoại nên anh M đã nhanh chóng tháo SIM ra ném đi, vì thế mọi chuyện không đi quá giới hạn. Thoát nạn lần đó, anh M cũng tởn luôn, không còn học đòi thói lăng nhăng nữa.

Dù vậy, việc phát triển công nghệ thông tin ở vùng biên giới Hưng Điền B đã thật sự làm thay đổi bộ mặt của đời sống người dân nơi đây. Với bản tính cần cù, chăm chỉ làm ăn cũng như biết đầu tư vào việc học cho con em mình của người dân Hưng Điền B, vùng đất biên giới này sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa vào mỗi dịp xuân về.

LINH NGUYỄN

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận