Tổng Giám đốc VNPT Technology than phiền chất lượng nhân lực công nghệ Việt

Tổng Giám đốc VNPT Technology than phiền chất lượng nhân lực công nghệ Việt

Tổng Giám đốc VNPT Technology than phiền chất lượng nhân lực công nghệ Việt

Việc đào tạo nhân lực công nghệ cần có sự thắt chặt giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ảnh: Internet.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại sự kiện khởi động dự án “YouthSpark Career Readiness – Tăng cường kỹ năng làm việc, khởi nghiệp cho thanh niên” (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Microsoft tổ chức) vừa diễn ra tại Hà Nội, thị trường lao động Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới của hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, thực hiện các cam kết lao động theo Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thực tế đó đòi hỏi giới trẻ Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc trang bị những kỹ năng phù hợp để nắm bắt các cơ hội hội nhập, hưởng lợi từ TPP, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng tốt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngô Hùng Tín, Phó Tổng Giám đốc VNPT kiêm Tổng Giám đốc VNPT Technology, có một thực tế đáng buồn hiện nay là kỹ năng, thái độ và tính trách nhiệm trong công việc của phần lớn giới trẻ còn rất thấp.

Tổng Giám đốc VNPT Technology than phiền chất lượng nhân lực công nghệ Việt

Ông Ngô Hùng Tín (giữa) Ảnh: Phan Minh.

Ông Ngô Hùng Tín cho hay, trong thời gian qua, VNPT Technology đã hợp tác với nhiều trường cao đẳng, dạy nghề nhận sinh viên thực tập trong nhà máy. Tuy nhiên, rất đáng buồn là thái độ, tính trách nhiệm trong công việc của giới trẻ rất thấp. Ngoài ra, họ còn yếu trong kỹ năng làm việc nhóm, vốn ngoại ngữ hạn chế.

“Muốn hội nhập, trở thành công dân toàn cầu và có cơ hội đi ra thị trường quốc tế thì giới trẻ phải thay đổi. Dù sau này làm cho các doanh nghiệp hay tự khởi nghiệp thì ở đâu cũng không thể thiếu những kỹ năng trên”, ông Tín nhấn mạnh.

Trao đổi tại sự kiện, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên, Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nêu lên thực trạng là nhân lực Việt Nam khi cọ xát với nhân lực các nước trong khu vực và thế giới còn rất nhiều hạn chế, phải sớm có sự thay đổi. Ông Trường nhận định một trong những nguyên nhân là việc kết nối dạy nghề giữa các đơn vị đào tạo với doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng kỹ năng làm việc, kinh nghiệm thực tế là những hạn chế cơ bản của giới trẻ. 

Nhưng theo bà Hằng, có tín hiệu khả quan là các doanh nghiệp trong nước cũng đang dần cởi mở hơn trong việc tiếp nhận sinh viên. “Cách đây 1 tháng, VCCI đã tiến hành khảo sát 700 doanh nghiệp thuộc 5 ngành nghề khác nhau thì có tới 70% doanh nghiệp cho biết sẵn sàng nhận sinh viên về thực tập”, bà Hằng cho hay, đồng thời nhấn mạnh quá trình đổi mới công nghệ rất nhanh, cần có sự kết nối giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp chặt chẽ hơn để theo kịp sự phát triển.

Các chuyên gia nhận định rằng, việc đào tạo, thực tập nên đi theo các dự án cụ thể để sinh viên, nhân lực mới vào nghề có cơ hội được va chạm thực tế. Hướng đào tạo có thể 1/3 là online, 1/3 trực tiếp và còn lại là trên dự án cụ thể.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc khối Chính phủ và Doanh nghiệp Nhà nước, Microsoft Việt Nam cũng cho rằng giới trẻ cần trải nghiệm các dự án cụ thể trước khi khởi nghiệp. Tại Microsoft Việt Nam thường xuyên có các chương trình đón nhận thực tập sinh từ các trường nghề, giúp các thực tập sinh tiếp cận những công nghệ mới nhất để nâng cao năng lực cũng như kinh nghiệm thực tế phục vụ cho công việc sau này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận