Cần ứng dụng mạnh CNTT trong công tác điều hành

Cần ứng dụng mạnh CNTT trong công tác điều hành

Xin ông cho biết tầm quan trọng của công tác điều hành khai thác mạng lưới đối với ngành Bưu điện Việt Nam nói chung và doanh nghiệp viễn thông nói riêng?

Như chúng ta đã biết mạng viễn thông có đặc thù để cung cấp được dịch vụ tới người sử dụng thì đòi hỏi có sự tham gia của rất nhiều hệ thống kỹ thuật, đơn vị khác nhau. Mạng lưới viễn thông hoạt động liên tục nên công tác điều hành rất quan trọng để hệ thống hoạt động ổn định. Đặc biệt, thông tin phục vụ công tác chỉ đạo luôn đòi hỏi phải kịp thời, chính xác, an toàn. Để đồng bộ các khâu, các bộ phận cùng tham gia cung cấp dịch vụ toàn trình với đòi hỏi yêu cầu cao thì cần phải có đầu mối điều hành thống nhất.

Cần ứng dụng mạnh CNTT trong công tác điều hành

Ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ BCVT, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện , Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty BCVT (VNPT), Nguyên Vụ trưởng Vụ Viễn thông giai đoạn 1987-1990

Công tác điều hành thông tin rất quan trọng, nhờ đó nguồn lực mạng lưới được khai thác hiệu quả. Các vấn đề tồn tại trên mạng lưới được phát hiện và xử lý kịp thời. Trong 55 năm qua, ở từng giai đoạn khác nhau, hệ thống tổ chức điều hành đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp nhất là trong thời kỳ số hóa, hiện đại hóa, tăng tốc phát triển của ngành Bưu điện. Khi công nghệ phát triển rất nhanh, CNTT trở thành yếu tố quyết định trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xã hội số, chính quyền số…

Trước năm 2000, mạng lưới viễn thông Việt Nam do 1 đơn vị quản lý là Tổng cục Bưu điện, sau đó là VNPT. Sau này khi mở cửa cạnh tranh ngành viễn thông, công tác điều hành mạng lưới có sự thay đổi, không chỉ phục vụ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà sự phối hợp của các doanh nghiệp là rất quan trọng, đảm bảo hệ thống viễn thông quốc gia hoạt động hiệu quả.

Ông có thể cho biết ý nghĩa của sự ra đời của Tổ chức điều hành đầu tiên với tên gọi "Tổ trực ban thông tin" ra đời trong bối cảnh lịch sử như vậy?

Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong điều kiện chiến tranh như vậy, TCBĐ đã thành lập Tổ trực ban thông tin - Tiền thân của tổ chức điều hành thông tin ngày nay.

Thời kỳ đầu Tổ trực ban thông tin chủ yếu chỉ là tập hợp nhanh tình hình thông tin liên lạc, báo cáo lãnh đạo, xử lý sự cố thông tin, đảm bảo mạng lưới hoạt động tốt. Dần dần phát triển để điều hành lưu lượng thông tin và trang thiết bị thông tin, điều hành xử lý thông tin không chỉ phục vụ chiến tranh mà còn thiên tai bão lũ. TCBĐ đã rất kịp thời thành lập tổ điều hành thông tin liên lạc và sau này là hệ thống điều hành thông tin toàn ngành. Đây là 1 quyết định kịp thời và cần thiết đối với ngành Bưu điện lúc bấy giờ.

Việc ra đời Tổ trực ban thông tin trong bối cảnh lịch sử như vậy có ý nghĩa rất lớn. Điều đó khẳng định công tác điều hành khai thác mạng lưới đóng vai trò quan trọng đối với ngành Bưu điện nói chung và mỗi doanh nghiệp viễn thông nói riêng.

Được biết ông là người đã ký Quyết định số 945-QĐ/VT-TCCB, ngày 9/4/1991 ban hành Quy chế điều hành, hình thành Hệ thống điều hành trong toàn ngành Bưu điện. Xin ông cho biết chức năng nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống điều hành trong "giai đoạn tăng tốc"?

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện bước vào giai đoạn có các quyết định hết sức táo bạo, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa. TCBĐ đã từng bước triển khai thành công từ năm 1987-1990. VNPT đã từng bước thành lập hàng loạt các công ty dọc chuyên ngành VTI, VTN, VDC, các Bưu điện tỉnh, thành… được thành lập để trực tiếp quản lý, vận hành khai thác các trang thiết bị hiện đại.

Trong bối cảnh đó Quy chế điều hành ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. Theo đó, tổ chức điều hành đã thành hệ thống xuyên suốt từ Tổng công ty tới các đơn vị trực thuộc. Việc đảm bảo hoạt động của mạng lưới có quy mô và tốc độ tăng trưởng đột biến như vậy đã thể hiện rõ sự trưởng thành vượt bậc của cả Hệ thống điều hành khai thác mạng lưới.

Xin ông cho ý kiến về yêu cầu đổi mới công tác điều hành khai thác mạng lưới gắn với quá trình tái cấu trúc của Tập đoàn VNPT?

Mấy năm qua VNPT có sự tái cấu trúc rất mạnh mẽ, công tác điều hành mạng lưới cũng phải sắp xếp lại cho phù hợp. CNTT được đưa vào công tác điều hành rất nhiều hỗ trợ công tác đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên cần phải tiếp tục làm tốt hơn nhất là trong giai đoạn sắp tới khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng mạnh mẽ. Những người làm công tác điều hành thông tin phải sáng tạo, học hỏi, đề xuất giải pháp, cập nhật công nghệ để có thể xử lý tốt nhất.

VNPT đã thực hiện tái cấu trúc thành công, đổi mới toàn diện về tổ chức và mô hình SXKD. Hệ thống tổ chức thay đổi theo hướng chuyên biệt, thành các trụ cột Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng CNTT, Truyền thông, Kinh doanh; Các công cụ truyền thông như điện thoại, email... cần được thay thế bằng các công cụ tức thời (instant), đồng thời có khả năng lưu trữ dữ liệu, bảo mật tốt, hướng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ người điều hành như một trợ lý ảo.

Là người đã giữ nhiều trọng trách của ngành Bưu điện, xin ông cho biết kỷ niệm sâu sắc gắn với công tác điều hành.

Gần 40 năm công tác trong ngành Bưu điện, tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác nên có rất nhiều kỷ niệm gắn bó. Một kỷ niệm khó quên khi làm Tổng cục trưởng TCBĐ là việc đổi 45.000 số của Tổng đài Bưu điện TP.HCM – Tổng đài lớn nhất nước - vào ngày 29/12/1991. Đây là dịp nghỉ lễ các chuyên gia Đức và Pháp đã về nước, chỉ còn 1 chuyên gia nước ngoài ở lại. Mọi thứ được tiến hành đúng theo kế hoạch đặt ra. Tình hình TP.HCM thời điểm đó rất nhạy cảm. Ban lãnh đạo UBND TP.HCM cùng Bưu điện thành phố thức cùng đội công tác. Đến 12h đêm, chuyển đổi thành công, chúng tôi đã gọi điện báo cáo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (lúc đó là Phó Thủ tướng). Đến 2h sáng gửi công điện đến tất cả các Bưu điện tỉnh thành, Tổ công tác ai cũng vui mừng phấn khởi.

Đến 8h sáng thứ Hai, tổng đài dừng hoạt động. Chúng tôi kiểm tra và phát hiện ra hệ thống tổng đài bị quá tải do sai lầm của mình là vừa chuyển mạng, vừa đổi số. Sáng thứ Hai nhiều người đi làm, quay số cũ không được, quay lại số mới dẫn đến tổng đài quá tải. Lúc đó chúng tôi chọn giải pháp cô lập từng khu vực để giảm tải. Sau hơn 1 tiếng thì xử lý xong. Qua đó mình rút ra kinh nghiệm dể không lặp lại sai lầm một lần nữa. Chính vì thế sau này, qua rất nhiều lần đổi số, đổi mạng, chúng ta đều làm rất êm và thành công.

Xin cảm ơn ông.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận