Cuộc chiến chống lừa đảo viễn thông tại Trung Quốc

Cuộc chiến chống lừa đảo viễn thông tại Trung Quốc

Chưa bao giờ lại có nhiều người bị lừa chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo đến vậy. Theo Bộ Công an Trung Quốc, chỉ trong 15 tháng (tính đến tháng 7/2022), nước này đã xử lý 594.000 vụ lừa đảo Internet và viễn thông. Năm 2021, nhà chức trách ngăn chặn 1,5 triệu người chuyển 329,1 tỷ NDT (47,5 tỷ USD) cho kẻ lừa đảo.

Những kẻ này thường làm việc theo nhóm và theo sát kịch bản để bám sát con mồi thông qua trò chuyện trên mạng. Sau đó, chúng lừa mọi người đầu tư vào các sản phẩm có vẻ hợp pháp, thường là tiền mã hóa (crypto).

Cuộc chiến chống lừa đảo viễn thông tại Trung Quốc
Tang chứng các vụ lừa đảo viễn thông trong chiến dịch truy quét của cảnh sát Quảng Châu tháng 6/2020. (Ảnh: Caixin)

Không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, một số nạn nhân còn tìm đến cái chết. Do thiếu quy định ngăn chặn rò rỉ thông tin cá nhân và các lỗ hổng trước đó cho phép nhà mạng bán SIM mà không kiểm tra giấy tờ tùy thân, một 'thiên đường' dành cho tội phạm lừa đảo đã được tạo ra.

Dù vậy, những điều đó sẽ thay đổi. Đầu tháng 9, nhà lập pháp Trung Quốc thông qua dự luật chống lại lừa đảo viễn thông và Internet nhằm đối phó khẩn cấp với tình hình. Luật có hiệu lực từ ngày 1/12, trao quyền cho nhà hành pháp trong việc truy đuổi tội phạm ở nước ngoài và ra lệnh cho các hãng viễn thông, ngân hàng hỗ trợ truy tìm tội phạm.

Các hình thức lừa đảo tinh vi

Theo Caixin, lừa đảo viễn thông bắt nguồn từ thập niên 90 tại Đài Loan với hình thức phổ biến là xổ số thẻ cào. Những kẻ lừa đảo khiến người mua xổ số tin rằng họ đã trúng giải rồi yêu cầu trả thuế mới được nhận thưởng. Từ năm 2000, khi cảnh sát địa phương tăng cường trấn áp, các đối tượng chuyển sang “con mồi” sống ở Đại lục.

Hình thức này thu hút chú ý của các quan chức hàng đầu Trung Quốc sau một vụ việc năm 2004, liên quan đến một giáo sư nổi tiếng đã nghỉ hưu của Đại học Bắc Kinh. Sau khi bị mất 147.000 NDT, ông đã gửi thư khiếu nại lên các lãnh đạo của chính quyền Trung ương. Hai tháng sau, Phúc Kiến triển khai chiến dịch đặc biệt để phá tan đường dây lừa đảo qua tin nhắn SMS và Internet. Bộ Công an mở rộng chiến dịch ra toàn quốc vào cuối năm.

Từ đó đến nay, lừa đảo viễn thông biến tướng và được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Số lượng vụ án tiếp tục tăng. Trong 10 năm tính đến năm 2016, lừa đảo viễn thông tăng khoảng 20% đến 30% mỗi năm, theo Tân Hoa Xã. Hầu hết các vụ thiệt hại trên 10 triệu NDT đều do các băng nhóm tội phạm tại Đài Loan tổ chức, theo Bộ Công an Trung Quốc.

Không ngừng biến tướng trong đại dịch

Từ năm 2020, do Covid-19 và kinh tế sa sút, lừa đảo viễn thông càng phổ biến. Dịch bệnh cũng khiến việc chống lại tội phạm khó khăn hơn, đặc biệt với những kẻ sống ở nước ngoài nhằm vào người Trung Quốc.

Năm 2020, 927.000 vụ lừa đảo viễn thông và Internet được ghi nhận với tổn thất 35,37 tỷ NDT. Khoảng 1/3 vụ việc đã được xử lý, dẫn tới bắt giữ 361.000 nghi phạm. Nhờ nỗ lực phòng chống, trong năm này, nhà chức trách ngăn chặn được 8,7 triệu người chuyển 272 tỷ NDT cho kẻ lừa đảo.

Cuộc chiến chống lừa đảo viễn thông tại Trung Quốc
6 nghi phạm trong một vụ lừa đảo viễn thông bị bắt giữ và áp giải từ Indonesia về Trung Quốc ngày 1/12/2019. (Ảnh: Caixin)

Không chỉ lừa những người cả tin, các hình thức lừa đảo còn liên quan đến cả một đường dây xoay quanh bán thông tin cá nhân, buôn người, làm giả giấy tờ... Một chợ đen sẽ thu thập tất cả dữ liệu riêng tư, bao gồm số căn cước công dân, địa chỉ từ các doanh nghiệp và thậm chí là cơ quan nhà nước rồi bán lại cho các nhà quảng cáo và kẻ lừa đảo. Caixin thử liên lạc với một môi giới và hắn khẳng định có thể cung cấp mọi loại thông tin như danh sách các giáo sư đại học hay căn cước công dân, số điện thoại của người cao tuổi – những người dễ bị tổn thương nhất.

Kẻ lừa đảo sử dụng thiết bị có thể can thiệp và giả mạo tín hiệu viễn thông, cho phép chúng thay đổi ID người gọi để nạn nhân tin rằng họ đang nhận cuộc gọi từ các số hợp pháp. Chúng còn dùng phần mềm nhắn tin hàng loạt để gửi tin nhắn mạo danh nhà mạng, ngân hàng và các tổ chức khác cho hàng ngàn người dùng. Những công nghệ và thiết bị này khiến rất khó truy vết, theo Fu Liang, một nhà phân tích viễn thông.

Vài năm trở lại đây, các băng nhóm còn sử dụng ứng dụng lừa đảo để khiến mọi người tin rằng họ đang đăng nhập các nền tảng đầu tư hợp pháp. Bộ Công an cho biết, nó tạo ra một đường dây công nghiệp phi pháp khổng lồ, bao gồm các nhà phát triển ứng dụng chuyên nghiệp – những người viết nhiều loại ứng dụng có chức năng khác nhau theo nhu cầu của kẻ lừa đảo.

Tìm cách ngăn chặn

Đường dây tội phạm đồng nghĩa với việc nhà chức trách cần theo dõi mọi liên kết để giải quyết được một vụ án. Nếu một liên kết không được làm rõ trong quá trình điều tra, vài nghi phạm ở “thượng nguồn” có thể không bị truy tố với tư cách đồng phạm.

Để xử lý vấn đề này, Tòa án tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc năm 2019 đã mở rộng tội danh tiếp tay cho tội phạm mạng. Năm 2020, nhà chức trách triển khai “Chiến dịch phá thẻ”, triệt phá các giao dịch thẻ ngân hàng và bán thẻ ngân hàng phi pháp. Chiến dịch nhằm cắt đứt liên kết giữa thẻ SIM điện thoại, thẻ ngân hàng và những đối tượng không phải người đăng ký thẻ.

Những năm gần đây, các băng nhóm Trung Quốc chuyển địa bàn sang Đông Nam Á do bị siết chặt tại quê nhà. Chúng tuyển dụng người Trung Quốc qua quảng cáo việc nhẹ, lương cao rồi giữ người trái phép, lợi dụng họ.

Tại Hồ Nam, chính quyền công khai tên, ảnh và địa chỉ của những công dân Trung Quốc từ chối quay về quê hương và cảnh báo hộ khẩu, tài khoản ngân hàng và thẻ SIM của họ sẽ bị đình chỉ trừ khi tự giao nộp bản thân. Tính đến tháng 10/2021, hơn 69.000 người có nguy cơ dính líu đến lừa đảo viễn thông ở nước ngoài đã được thuyết phục về nước.

Một biện pháp ngăn chặn khác là làm việc với các ngân hàng, nhà mạng, công ty Internet để nắm thông tin về các vụ nghi lừa đảo, hành động dựa trên mức độ rủi ro khác nhau, theo Tao Jiangjiang, chỉ huy đội chống gian lận của Sở cảnh sát Nam Xương. Chẳng hạn, khi cảnh sát biết rằng các nạn nhân sẽ chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, họ liền hướng dẫn ngân hàng từ chối thanh toán hoặc đóng băng tài khoản.

Luật mới của Trung Quốc cũng ưu tiên những biện pháp ngăn chặn. Nó yêu cầu tất cả các cấp chính quyền có trách nhiệm nâng cao nhận thức của người dân về lừa đảo trực tuyến và viễn thông. Các phòng ban dân sự, giáo dục… được chỉ thị triển khai nhiều chiến dịch giáo dục hướng đến người già, vị thành niên và các nhóm người yếu thế khác.

Luật yêu cầu cảnh sát hợp tác với các cơ quan mạng, viễn thông, tài chính, nhà cung cấp dịch vụ để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, xác định nạn nhân tiềm năng và ngăn cản họ tiến hành các giao dịch lừa đảo. Luật quy định trách nhiệm cho các doanh nghiệp trọng yếu trong lĩnh vực viễn thông, tài chính, Internet trong ngăn ngừa rủi ro lừa đảo. Chẳng hạn, các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng phải thiết lập cơ chế để giám sát các tài khoản bất thường và giao dịch đáng nghi, thực hiện biện pháp phòng ngừa.

Để ngăn chặn các đường dây lừa đảo nước ngoài giăng bẫy con mồi trong nước, luật cho phép cơ quan xuất nhập cảnh áp đặt các lệnh cấm xuất cảnh với những người đến từ điểm nóng và bị tình nghi tham gia vào hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Luật cung cấp hỗ trợ pháp lý cần thiết để đấu tranh với tội phạm lừa đảo viễn thông, Internet. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng những hoạt động này chưa thể chấm dứt nhanh chóng. Như bất kỳ loại tội phạm nào, chúng sẽ tiếp tục phát triển cùng với môi trường và công nghệ.

Du Lam (Theo Caixin)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận