Dịch vụ truyền hình OTT trong nước: Gần 90% dùng miễn phí, quảng cáo giá “bèo bọt”

Dịch vụ truyền hình OTT trong nước: Gần 90% dùng miễn phí, quảng cáo giá “bèo bọt”

Dịch vụ truyền hình OTT trong nước: Gần 90% dùng miễn phí, quảng cáo giá “bèo bọt”

Trên một số dịch vụ truyền hình OTT hiện có bán các gói dịch vụ lẻ, như gói phim Danet, bên cạnh việc khách hàng có thể đăng ký xem gói kênh Danet trên mọi thiết bị qua Internet, Danet đang được phân phối trên các hệ thống của VTVcab, MyTV, Truyền hình FPT, Truyền hình Viettel và một số các mạng viễn thông. Xu thế cùng chia sẻ hạ tầng để bán gói dịch vụ nội dung trên các nền tảng Internet tới đây sẽ có cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Trưởng nhóm phát triển giải pháp dịch vụ truyền hình VTVcab ON cho biết, bên cạnh gói kênh Danet, sắp tới trên VTVcab ON sẽ có thêm gói kênh Q.net cung cấp các gói nội dung theo sở thích của từng đối tượng khán giả. Nếu như Danet thiên về phim lẻ và mạnh về phim châu Á và Việt Nam thì chùm kênh Q.net lại thiên về phim kênh, phục vụ những khán giả nghiền phim Mỹ. Về chất lượng thì chùm kênh Q.net chất lượng cao và có nhiều phim do các hãng phim nổi tiếng của Mỹ sản xuất chuyên nghiệp và hấp dẫn. VTVcab ON không chỉ cung cấp dịch vụ của VTVcab mà còn là một nền tảng để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khác bán dịch vụ của họ trên đó.

Về tiềm năng của các gói dịch vụ phim lẻ, ông Hân cho hay, Danet dù ra đời mấy năm nay nhưng vẫn còn loay hoay và thực chất bán dịch vụ chưa được nhiều. Nhưng gói kênh Q.net dự báo sẽ có sức hút với khán giả thích phim chất lượng cao của Mỹ, Q.net có khả năng bán được tốt gói kênh này.

Hiện nay dịch vụ xem phim có bản quyền qua Internet của Việt Nam còn có Fim+ với kho phim khoảng 1.000 bộ phim châu Á và Việt Nam. Các dịch vụ xem phim có bản quyền như Danet và Fim+ là dịch vụ xem phim theo yêu cầu có bản quyền, chất lượng phim tốt, chi phí thuê bao rẻ chỉ tầm 50.000 đồng/tháng, hoặc chi phí 12.000-15.000 đồng để mua phim lẻ. Người dùng cũng có thể lựa chọn xem dịch vụ miễn phí (có kèm quảng cáo). Điểm mạnh của các ứng dụng này là người xem sẽ không cần lo lắng với chất lượng phim cũng không lo có quảng cáo bẩn trong lúc xem phim vì nội dung đã được kiểm duyệt. Tuy nhiên, hạn chế của hai dịch vụ này là số lượng phim hơi ít, chỉ trên dưới 1.000 bộ phim.

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, trong khái niệm xem theo yêu cầu VOD có các hình thức trả theo thuê bao (SVOD), thuê từng nội dung (TVOD) và xem miễn phí thu quảng cáo (ADOD). Việc một đơn vị có nội dung và tạo ra một gói để phân phối trên các nền tảng khác nhau là một cách làm tốt nhằm giảm thiểu chi phí cho các bên. Tuy nhiên, theo ông Giản nếu gói kênh đó đã phân phối đại trà thì nội dung không còn đặc sắc và độc quyền nữa cũng là cái mà các đơn vị kinh doanh cần xem xét lại.

Mấy năm qua dù nhiều đơn vị trong nước đầu tư phát triển nội dung trên OTT nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Hân, các ứng dụng OTT của Việt Nam hiện có tới 85-90% là người dùng miễn phí, số lượng người xem trả phí rất ít, do đó các nội dung miễn phí trên OTT sẽ phải tính tới chuyện phân phối quảng cáo. Hiện nay giá quảng cáo trên OTT đang thấp do bị chèn ép giá vì hiện cũng chưa có ứng dụng OTT nào có lượng người dùng đủ lớn. Tuy nhiên, các nhãn hàng thì rất mong muốn được quảng cáo trên tập khách hàng OTT vì họ có thể phân loại được khách hàng. Với một ứng dụng OTT có đông người dùng thì các nhãn hàng sẽ sẵn sàng trả tiền ở mức giá cao. Việc của các ứng dụng OTT bây giờ là phải chủ động xây dựng giải pháp phân phối quảng cáo thay vì dùng nền tảng quảng cáo của nước ngoài, trong đó chủ yếu là quảng cáo trên nền tảng Google.

Hiện nay giá quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo của nước ngoài bị ép rất “bèo bọt” chỉ khoảng 1,3 USD/CPM (CPM = 1.000 lượt view), tiền này không đủ cho các OTT thuê CDN (hệ thống phân phối nội dung - PV) chứ chưa nói đến chi phí đầu tư vào nội dung, trên thực tế giá quảng cáo phải tối thiểu là 3 USD/CPM thì mới các OTT mới đủ chi phí.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận