Khách hàng bức xúc vì bị làm phiền, 7 nhà mạng cam kết chặn cuộc gọi rác

Khách hàng bức xúc vì bị làm phiền, 7 nhà mạng cam kết chặn cuộc gọi rác

Ngày 29/8/2022, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. 

Nhà mạng cam kết làm sạch thông tin thuê bao, chặn cuộc gọi rác

Tại buổi ký kết, các nhà mạng đã cam kết ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, đảm bảo quyền lợi khách hàng, người sử dụng, tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ mới, không gian mới của lĩnh vực trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số của Việt Nam.

Trong giai đoạn vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng ưu điểm của dịch vụ viễn thông, phát tán cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng (telesales) mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng,..) gây phiền nhiễu. Đây là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.

Khách hàng bức xúc vì bị làm phiền, 7 nhà mạng cam kết chặn cuộc gọi rác
Các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, người dùng di động Việt phàn nàn khi nhận cuộc gọi rác là đúng. Nhưng khi nhà mạng gửi tin nhắn hỏi cuộc gọi họ vừa nhận có phải cuộc gọi rác hay không, tỷ lệ phản hồi rất thấp. Điều này đã gây ra những khó khăn với nhà mạng cũng như cơ quan quản lý trong quá trình xác định nguồn phát tán cuộc gọi rác.

Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, nhằm ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác, chỉ các giải pháp kỹ thuật không thôi là chưa đủ. Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là sở cứ để nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác. Người dùng di động cần có trách nhiệm phản hồi, chung tay cùng cơ quản lý nhà nước và các nhà mạng giải quyết câu chuyện này. Phải đẩy mạnh truyền thông để khách hàng thấy được quyền và nghĩa vụ của họ giúp nhà mạng và cơ quan quản lý thực thi pháp luật xử lý vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long biểu dương Cục Viễn thông và các nhà mạng trong thời gian ngắn đã tích cực phối hợp cho ra đời bản kế hoạch về việc ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kiểm soát các SIM kích hoạt sẵn có dấu hiệu tồn kênh.  

Cuộc gọi rác còn được hiểu là những cuộc gọi không mong muốn, gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo, đa phần là những cuộc gọi chưa được định danh. Thực tế cho thấy, nhiều người dùng vẫn cần thông tin từ cuộc gọi quảng cáo, việc quảng cáo dịch vụ cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Để làm điều này, các thuê bao thực hiện quảng cáo phải được đăng ký định danh. Đến nay, đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc này, nếu các cuộc gọi được định danh sẽ không còn là cuộc gọi rác.

Bộ TT&TT kiên quyết xử lý nhà mạng không thực hiện nghiêm túc 

Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh rằng cần sự chung tay của cả xã hội mới giải quyết triệt để vấn đề này. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn cho người dùng trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý dựa trên quy định đã có.        

Tiếp đến là vấn đề quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh - là những SIM đã được kích hoạt nhưng chưa sử dụng và có khả năng bị sử dụng vào mục đích xấu

“Khi đối tượng xấu sử dụng các SIM này đi lừa đảo. Vậy trách nhiệm nhà mạng ở đâu? Nhà mạng cần doanh thu, nhưng cũng không cần doanh thu từ những thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Vì vậy, nhà mạng phải có trách nhiệm với xã hội và chung tay giải quyết vấn nạn. Người sử dụng có trách nhiệm phối hợp để xác thực thông tin thuê bao chính chủ, việc này thực hiện rất thuận tiện thông qua các hình thức trực tuyến (video call), tại quầy giao dịch và hotline hỗ trợ của nhà mạng”, Thứ trưởng nói

Bộ TT&TT khẳng định sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể bắt người dân chịu gánh nặng này.

Cục Viễn thông cho biết, tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, phạt từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi “Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo”.

Tại buổi ký kết, Thứ trưởng Phạm Đức Long tin rằng, với việc ra quân và hợp tác mạnh mẽ giữa các nhà mạng, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự vào cuộc truyền thông mạnh mẽ của các cơ quan báo chí thì vấn nạn này sẽ được xử lý.  

- Khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng về cuộc gọi rác (được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh – Flash SMS ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác) người dùng có thể chủ động phối hợp trả lời (chọn phương án trả lời “Có” hoặc “Không”) để giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra chế tài quản lý phù hợp. Mỗi người dân chỉ cần dành ra 3-5 giây gửi phản ánh khi có cuộc gọi rác thì vấn nạn cuộc gọi rác sẽ được xử lý triệt để.

 - Khi phát hiện cuộc gọi rác, người dân có thể phản ánh qua cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người sử dụng, thông qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/ của Cục ATTT.

 Thái Khang 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận