Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng: “Đã chín muồi để Việt Nam triển khai 4G”

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng: “Đã chín muồi để Việt Nam triển khai 4G”

Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng: “Đã chín muồi để Việt Nam triển khai 4G”

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng

Hiện Bộ TT&TT đang cấp phép cho 4 doanh nghiệp là FPT, Viettel, VNPT và MobiFone triển khai thử nghiệm 4G. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, theo ông thời điểm này Việt Nam đã đủ điều kiện chín muồi để triển khai 4G hay chưa? 
Cách đây vài năm sau khi Liên minh Viễn thông Thế giới đã công nhận tiêu chuẩn 4G tương đương với tiêu chuẩn IMT-Advanced thì công nghệ này bắt đầu được phát triển mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, để đưa một công nghệ vào Việt Nam thì cần căn cứ vào nhiều yếu tố.  Trong quy hoạch phát triển viễn thông của Việt Nam đến 2020 đã đưa ra tiêu chí triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam, đó là : tiêu chuẩn công nghệ  được ITU công nhận; mức độ phổ biến rộng rãi của công nghệ trên thế giới; sự sẵn sàng về tài nguyên viễn thông (tần số);  nhu cầu thị trường; giá thiết bị phải phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và mức thu nhập của người dân. Chẳng hạn việc triển khai dịch vụ 3G ở Việt Nam là một ví dụ tốt về việc chọn đúng thời điểm để triển khai công nghệ. Đầu những năm 2000 thế giới đã triển khai 3G, còn Việt Nam phải đến năm 2009, nhưng thời điểm đó rất hợp lý vì công nghệ 3G đã chín muồi trở nên phổ biến, giá thiết bị đầu cuối như smartphone, máy tính bảng bắt đầu rẻ, đồng thời nhu cầu sử dụng 3G để truy nhập Internet đến các mạng xã hội như Facebook, youtube v.v phát triển mạnh. Vì vậy khi triển khai 3G doanh thu và thuê bao phát triển rất nhanh.  Mặt khác do công nghệ 3G đã hoàn thiện và được nâng cấp nên các doanh nghiệp có thể đi thẳng lên công nghệ 3G+ với chi phí thấp.

Thông thường trên thế giới một công nghệ mới được xác định bắt đầu phổ cập là khi công nghệ này chiếm khoảng 10-15% số thuê bao. Do đó nếu chọn thời điểm này triển khai sẽ hạn chế được rủi ro công nghệ. Hiện nay số thuê bao di động trên thế giới khoảng gần 7 tỷ thuê bao, trong đó thuê bao 4G năm 2015 khoảng 700-800 triệu năm và dự báo năm 2016 sẽ có khoảng trên 1 tỷ thuê bao tương đương khoảng 10-15% tổng số thuê bao di động trên toàn cầu nên năm 2016 là thời điểm có thể chính thức triển khai công nghệ này từ góc độ tiêu chí mức độ phổ cập của công nghệ.
Về vấn đề băng tần, có nhiều nước phải quy hoạch dọn dẹp để có băng tần cho 4G. Ở Việt Nam, về cơ bản thì việc quy hoạch và dọn dẹp băng tần cho 4G đã thực hiện xong. Trên thế giới sử dụng băng tần cho 4G thì thông dụng nhất là băng 1.800 MHz mà chúng ta đang dùng cho 2G, nhưng Bộ TT&TT đã có thông tư cho phép sử dụng 4G trên băng tần đó, còn 3G có thể chuyển xuống dùng các băng tần thấp hơn như băng 850 Mhz, 900 Mhz. Chúng ta cũng cũng đã quy hoạch và dọn dẹp xong băng 2.3 MHz, 2.6 MHz cho 4G. Đồng thời chúng ta cũng đang thực hiện số hóa truyền hình để giải phóng băng 700 Mhz cho 4G. Như vậy về tổng thể băng tần cho 4G ở Việt Nam đã sẵn sàng.
Xét về yếu tố thị trường, trong thời gian qua nhu cầu sử dụng băng rộng của khách hàng tăng cao. Hiện đang có khoảng 30- 40% khách hàng sử dụng dịch vụ data, trong một vài năm tới khả năng lưu lượng data sẽ vượt quá lưu lượng thoại và khi đó nhu cầu dùng dịch vụ 4G sẽ càng tăng mạnh hơn. Do đó cần sớm triển khai dịch vụ 4G để đón đầu nhu cầu sử dụng data ngày càng tăng với chất lượng tốt và tốc độ cao.
Cuối năm 2015, Viettel và VNPT cũng đã thử nghiệm công nghệ LTE-Advanced. Đây là công nghệ 4G đích thực. Qua đánh giá sơ bộ mà tôi được biết thì việc triển khai thử nghiệm khá tốt, không có vấn đề gì trục trặc lớn và vấn đề chỉ còn là triển khai. Trong quy hoạch viễn thông đến năm 2020 cũng xác định sẽ sau năm 2015 sẽ  triển khai thế hệ tiếp theo của 3G. Như vậy cả về thực tế cũng như hành lang pháp lý đều đảm bảo để chúng ta triển khai 4G.
Với tất cả những yếu tố đã phân tích nêu trên, tôi thấy thời điểm này là phù hợp để Việt Nam triển khai 4G.

Theo quy định, sẽ phải tiến hành đấu giá băng tần cho 4G. Hiện chúng ta có 5 mạng di động đang hoạt động, vậy chúng ta đã quy hoạch băng tần 4G cho bao nhiêu nhà mạng để đảm bảo cung cấp dịch vụ hiệu quả thưa ông?

Hiện băng tần 1800 MHz đã cấp phép cho 4 nhà mạng của Việt Nam để triển khai 3G, nhưng như đã đề cập ở trên băng tần này đã được Bộ TTTT cho phép triển khai 4G. Còn băng 2.6 MHz được quy hoạch cho 4 nhà mạng, băng tần 2.3 MHZ được quy hoạch cho 3 nhà mạng. Tất nhiên, không nhất thiết là một mạng di động phải có giấy phép tất cả các băng tần trên, còn cách mình đấu giá, chia băng tần thế nào lại là chuyện khác. Việc này cũng giống như cấp một mảnh đất mà nhỏ quá thì không phát huy được công nghệ, nếu cấp mảnh đất lớn quá mà năng lực của ông chủ đầu tư hạn chế thì không hiệu quả lãng phí.

Hồi cuối năm 2015, ông có đưa ra quan điểm việc cấp phép 4G phải làm sao thúc đẩy được cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ này cho khách hàng, thậm chí có những nước đưa ra tiêu chí cấp phép cho 1 doanh nghiệp mới. Tại sao ông lại đưa ra quan điểm đó? 
Tùy tình hình mỗi nước mà có các hình thức cấp phép khác nhau. Có nước, ngoài các nhà khai thác hiện tại thì người ta muốn cho doanh nghiệp mới tham gia thị trường để đột phá, thúc đẩy cạnh tranh, giảm giá cước, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhưng nước ngoài người ta có thể làm như thế vì doanh nghiệp lớn có năng lực rất nhiều, còn Việt Nam phải tùy tình hình thực tế xem có doanh nghiệp mới nào đủ năng lực triển khai hay không. Việc đánh giá này phải dựa vào bài thầu khi đấu giá, chứ doanh nghiệp mới vào mà không có năng lực triển khai, chết yểu thì thiệt hại cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Khi cấp phép 4G, không nhất thiết phải là các doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực cũng cần được tạo điều kiện tham gia theo quy định. Điều này tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực quốc gia như Nghị quyết Đảng, pháp luật của nhà nước đã đề cập.
Như vậy, tùy theo tài nguyên, nếu số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nguồn tài nguyên dự kiến phân bổ thì phải tổ chức đấu giá theo quy định, nhưng nếu số lượng doanh nghiệp ít hơn thì không cần đấu giá. Trước đây, thương quyền sử dụng tài nguyên quốc gia mình để cho các doanh nghiệp nhà nước, nhưng bây giờ một số doanh nghiệp viễn thông đã có sự tham gia của đối tác nước ngoài hoặc sắp tới nếu cổ phần hóa doanh nghiệp với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nếu mình phận bổ trực tiếp tài nguyên tần số mà không qua đấu giá thì thương quyền kinh doanh trị giá hàng nghìn tỷ sẽ rơi vào tay tư nhân nước ngoài.

Dưới góc nhìn của mình thì ông thấy 4G sẽ mang lại cơ hội gì cho Việt Nam?
Bây giờ những công việc hàng ngày như email, truy nhập Internet… hoặc cao hơn như e-government, e-comerce có thể dùng điện thoại di động chứ không phải gắn với máy tính để bàn như trước kia, thế nên nhu cầu sử dụng dịch vụ di động băng rộng sẽ tăng cao. Đặc biệt khi băng rộng 4G vào sẽ thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ của người dân, thậm chí nhiều người có thể kinh doanh nhận đơn hàng, quảng bá sản phẩm, điều hành quản lý cửa hàng, công ty… ngay chính trên chiếc smartphone của mình. Khi băng rộng đã đến từng người dân thì nó sẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy nếu tăng trưởng băng rộng khoảng 10% thì GDP của quốc gia đó sẽ tăng khoảng trên dưới 1%.

Mới đây, Bộ TT&TT đã phối hợp cùng Bộ Khoa học, CNTT truyền thông và hoạch định tương lai Hàn Quốc tổ chức hội thảo chuyên đề LTE 4G Việt Nam. Trao đổi tại sự kiện này, ông Dong Soo Park, Tổng Giám đốc phụ trách Marketing và Sale toàn cầu của Samsung Networks cho rằng với sự phát triển 4G, người dùng Việt Nam sẽ được sử dụng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn. Đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam phát triển 4G.

Cám ơn ông!

Các chuyên gia cho rằng, sự chuyển đổi từ thoại sang dữ liệu này đang được diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Mọi thứ đều có sẵn trên di dộng, từ VoLTE, video di động, truyền hình, phát sóng trực tuyến trên di động, âm nhạc, thương mại, trò chơi, dịch vụ công trên nền di động.

 Các chuyên gia còn cho rằng 4G sẽ là cơ hội quan trọng để tạo ra ngành công nghiệp mới và cải thiện mức thu nhập người dân. Chiến lược phủ sóng băng thông rộng cho 95% dân số của Việt Nam đến năm 2020 và thương mại hoá LTE trong năm 2016 rất quan trọng với việc cung cấp cho người dân quyền bình đẳng truy cập văn hoá kỹ thuật số, nhất là khi 4G/LTE có thể coi như yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Sự chuyển đổi này không chỉ đưa Việt Nam đến với cuộc sống di động mà còn góp phần phát triển kinh tế. Vì vậy, Việt Nam cần nắm lấy cơ hội cũng như thách thức này và tận dụng 4G/LTE trong tầm nhìn dài hạn. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh quá trình thương mại hoá LTE đang trở nên rất cấp thiết.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận