Ba nhà mạng lớn tại Việt Nam: Viettel, VNPT, MobiFone đã chính thức thương mại hóa 5G. Ảnh: HC |
Việc chuyển đổi từ mạng 5G không độc lập (NSA) sang mạng 5G độc lập (SA) là bước đi tất yếu trong tiến trình nâng cấp hạ tầng viễn thông tại Việt Nam. Tuy nhiên, để triển khai 5G SA thành công, các nhà mạng không chỉ cần đầu tư về công nghệ mà còn phải xây dựng chiến lược hợp tác linh hoạt và hiệu quả với các đối tác công nghệ và doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển dài hạn.
Theo ông Kalyan Sundhar, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mảng Công nghệ không dây, Keysight Technologies, các nhà mạng tại Việt Nam cần thiết lập những mô hình hợp tác chiến lược và linh hoạt với các đối tác công nghệ và doanh nghiệp phù hợp với "nguồn lực" của mình. Mỗi mô hình đều có những đặc điểm riêng, phù hợp với lộ trình triển khai của từng nhà mạng.
"Không có một chiến lược hợp tác nào phù hợp với tất cả. Mỗi nhà mạng cần lựa chọn mô hình phù hợp với nguồn lực, mục tiêu kinh doanh và khả năng kỹ thuật của mình", ông Sundhar nhấn mạnh.
Những tính năng độc quyền của 5G SA. Nguồn: Keysight Technologies |
Ông Kalyan Sundhar, đã chia sẻ ba mô hình hợp tác hiệu quả mà các nhà mạng tại Việt Nam có thể áp dụng trong hành trình chuyển đổi từ mạng 5G không độc lập (5G NSA) sang 5G độc lập (5G SA).
Thứ nhất, mô hình triển khai toàn diện từ đầu: Đối với những nhà khai thác lựa chọn triển khai 5G SA toàn diện ngay từ đầu, như trường hợp của Reliance Jio tại Ấn Độ, mức độ đầu tư và sự phối hợp kỹ thuật cần đặc biệt chú trọng.
"Cần thiết lập các mối quan hệ hợp tác sâu rộng trong việc xây dựng kiến trúc mạng, tích hợp hệ thống và xác thực đầu cuối để đảm bảo vận hành hiệu quả", vị chuyên gia này đề xuất.
Mô hình này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà mạng và các đối tác cung cấp giải pháp, từ thiết bị phần cứng đến phần mềm quản lý mạng. Tuy nhiên, lợi thế của cách tiếp cận này là nhà mạng có thể tận dụng ngay các tính năng vượt trội của 5G SA như phân chia mạng (network slicing) và độ trễ cực thấp.
Thứ hai, mô hình từng giai đoạn: Trong khi đó, các nhà khai thác theo đuổi phương pháp tiếp cận từng giai đoạn thường ưu tiên tính tương tác và tầm nhìn dài hạn trong hợp tác. Nhiều đơn vị chọn bắt đầu với 5G NSA để nhanh chóng cung cấp dịch vụ ra thị trường, sau đó chuyển dần sang 5G SA khi hệ sinh thái thiết bị và hạ tầng kỹ thuật trở nên hoàn thiện hơn.
Chiến lược này giúp giảm áp lực về đầu tư ban đầu, đồng thời cho phép nhà mạng học hỏi và điều chỉnh từ kinh nghiệm triển khai 5G NSA. Tuy nhiên, để thành công, nhà mạng cần lựa chọn đối tác có cam kết lâu dài và khả năng hỗ trợ quá trình chuyển đổi mạng một cách liền mạch, ông Sundhar nhấn mạnh.
Thứ ba, mô hình kết hợp (hybrid): Đối với mô hình kết hợp, nơi các nhà mạng triển khai đồng thời cả NSA và SA, việc lựa chọn đối tác trở nên phức tạp hơn. Ông Sundhar lưu ý, việc hợp tác với các đối tác có khả năng hỗ trợ cả hai mô hình là rất quan trọng.
"Điều này giúp duy trì trải nghiệm người dùng liền mạch trong khi vẫn đảm bảo mạng lưới có thể thích ứng linh hoạt với nhiều loại thiết bị và dịch vụ", ông giải thích.
Mô hình này đặc biệt phù hợp với các thị trường đang phát triển như Việt Nam, nơi sự đa dạng về thiết bị người dùng và yêu cầu dịch vụ đòi hỏi sự linh hoạt cao trong triển khai mạng.
"Việc chuyển đổi dần sang 5G SA trong mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa quá trình đầu tư cũng như vận hành", ông Sundhar kết luận.
Đối với các nhà mạng viễn thông Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị triển khai 5G SA, việc xây dựng chiến lược hợp tác phù hợp sẽ là yếu tố quyết định thành công. Mỗi nhà mạng cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích của việc triển khai sớm công nghệ mới và chi phí đầu tư, đồng thời lựa chọn đối tác có năng lực kỹ thuật và cam kết lâu dài.
![]() |
Kinh nghiệm từ các thị trường phát triển cho thấy, dù áp dụng mô hình hợp tác nào, việc đảm bảo tính liên tục của dịch vụ cho người dùng hiện tại luôn phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình chuyển đổi từ 5G NSA sang 5G SA, ông Sundhar cho biết thêm.
Thách thức khi chuyển đổi từ 5G NSA sang 5G SA
Theo ông Sundhar, để đảm bảo quá trình chuyển đổi từ 5G NSA sang 5G SA diễn ra suôn sẻ, các nhà khai thác cần giải quyết nhiều thách thức then chốt.
Trước hết là vấn đề chi phí và đầu tư. "Việc triển khai mạng 5G SA đòi hỏi nguồn vốn đáng kể do phải xây dựng mới phần lớn hạ tầng, đặc biệt là mạng lõi" vị chuyên gia nhận định.
Vì vậy, nhiều nhà mạng lựa chọn lộ trình triển khai theo từng giai đoạn, tập trung vào các khu vực có nhu cầu cao trước tiên, đồng thời vẫn duy trì hoạt động của mạng 5G NSA để đảm bảo tính liên tục của dịch vụ trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tiếp theo, tính tương thích của thiết bị là một yếu tố thiết yếu. "Không phải tất cả các thiết bị 5G hiện hành đều hỗ trợ kiến trúc SA", ông Sundhar lưu ý.
Dữ liệu báo cáo thiết bị đầu cuối trên toàn cầu sẵn sàng cho 5G SA từ 2021-2024. Nguồn: Keysight Technologies |
Dữ liệu từ Global mobile Suppliers Association (GSA) đến cuối năm 2024, đã có 2.198 thiết bị được công bố hỗ trợ công nghệ 5G SA trên toàn cầu, thể hiện mức tăng trưởng 34,6% chỉ trong vòng một năm. Đặc biệt, 69,9% tổng số điện thoại 5G hiện nay đã tích hợp khả năng hỗ trợ công nghệ SA.
Các nhà khai thác cần phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất thiết bị để mở rộng hỗ trợ phần cứng tương thích SA, đồng thời thúc đẩy khả năng nâng cấp phần mềm cho các thiết bị hiện có khi khả thi.
Kiểm thử và xác thực mạng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ. Các giải pháp của Keysight Technologies cho phép kiểm thử toàn diện mạng 5G SA trước khi đưa vào vận hành, giúp các nhà mạng phát hiện sớm và khắc phục các vấn đề tiềm ẩn.
![]() |
"Cuối cùng, yếu tố con người chính là nền tảng cho thành công dài hạn", ông Sundhar nhấn mạnh. Việc đào tạo và nâng cao kỹ năng cho các kỹ sư, chuyên viên vận hành mạng là cần thiết để đảm bảo họ có đủ năng lực xử lý, giám sát và khai thác hạ tầng lõi 5G SA.
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho rằng, dù áp dụng mô hình nào, yếu tố con người cũng giữ vai trò quyết định, các nhà mạng cần chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư vận hành, khai thác và giám sát để làm chủ hạ tầng 5G SA, qua đó duy trì chất lượng dịch vụ ổn định trong quá trình chuyển đổi.
Chuyên gia của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cũng chỉ ra, triển khai 5G không chỉ dừng lại ở hạ tầng, bài toán thực sự nằm ở hệ sinh thái ứng dụng 5G. Các nhà mạng muốn tối ưu lợi ích từ 5G, đặc biệt là 5G SA, cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác công nghệ, startup và doanh nghiệp để phát triển những use case thực tiễn: từ thành phố thông minh, xe tự hành, đến y tế từ xa hay sản xuất công nghiệp thông minh.
Việc đầu tư vào hệ sinh thái không chỉ giúp khai thác hiệu quả các tính năng nổi trội của 5G như độ trễ thấp, network slicing, hay MEC (Multi-access Edge Computing), mà còn mở ra nguồn doanh thu mới, giảm thời gian hoàn vốn cho các nhà mạng. Bài học từ các quốc gia đi trước như Ấn Độ hay Hàn Quốc cho thấy, nhà mạng không thể làm 5G một mình, mà cần một chiến lược hợp tác với các đối tác linh hoạt và bền vững.
Sau thời gian dài thử nghiệm, MobiFone đã chính thức triển khai dịch vụ 5G tại Việt Nam, bắt đầu tại các trung tâm tỉnh, ... |
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa phê duyệt phương án đấu giá lại quyền sử dụng băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz với ... |
Việt Nam mở cửa cho SpaceX thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink với 600.000 thuê bao, đến hết năm 2030, đặt ra bài ... |
Băng tần E-band đóng vai trò then chốt đáp ứng nhu cầu kết nối các tuyến truyền dẫn đường trục, truyền tải dữ liệu từ ... |
![]() Hội nghị NextGen Connectivity Summit 2025 diễn ra từ ngày 15-17/4 vừa qua là nơi các chuyên gia cấp cao của Huawei chia sẻ về ... |
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận