Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: “Số hóa truyền hình phải đặt nặng lợi ích người xem”

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: “Số hóa truyền hình phải đặt nặng lợi ích người xem”

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: “Số hóa truyền hình phải đặt nặng lợi ích người xem”

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Phiên họp lần thứ 10 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam.

4 thành phố lớn tắt sóng analog hoàn toàn từ ngày 15/8/2016 

Ngày 1/4/2016, các Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Phan Tâm đã chủ trì phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam.

Cùng với việc tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn đến năm 2015, tại phiên họp này, các thành viên Ban chỉ đạo đã bàn bạc, thảo luận về các vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới để có thể sớm hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất tại 4 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng đã xem xét tới các công tác cần chuẩn bị để triển khai số hóa truyền hình cho giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/12/2011 tại Quyết định 2451/QĐ-TTg.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta quyết tâm thực hiện cho bằng được theo đúng cam kết, lộ trình của Đề án nhưng phải đặt nặng lợi ích của người xem truyền hình, không được làm ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người xem truyền hình, của người dân. Mục đích chúng ta triển khai Đề án số hóa truyền hình là để cho người dân được xem tốt hơn, chứ không phải là hạn chế đời sống tinh thần của người dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm này”.

Với công tác thông tin tuyên truyền, Thứ trưởng đề nghị Viện Chiến lược chủ trì, phối hợp với Cục PTTH&TTĐT cùng các đơn vị liên quan sớm trình lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành Đề án thông tin, tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tổng kết những kết quả triển khai của giai đoạn 2013-2015; Xem xét kế thừa các phương thức tuyên truyền hiệu quả trong giai đoạn trước, đồng thời cần cân nhắc việc thay đổi cách thức tuyên truyền, tập trung vào đối tượng đang sử dụng truyền hình tương tự mặt đất, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với thời gian ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất, địa bàn ảnh hưởng.

Thời điểm ngừng phủ sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM đã được các thành viên Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam thống nhất là từ ngày 15/8/2016, theo như đề xuất của Tiểu ban giúp việc.

Lý giải về đề xuất lựa chọn thời điểm chính thức tắt sóng analog hoàn toàn tại 4 thành phố lớn vào ngày 15/8, sau tròn 2 tháng tắt sóng mềm 7 kênh truyền hình analog không thiết yếu ở Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số, Phó trưởng Tiểu ban giúp việc chia sẻ: “Không nên kéo dài phát song song quá lâu. Điều đó không hỗ trợ gì cho số hóa truyền hình mà còn làm phát sinh thêm chi phí không cần thiết của cả nhà nước và doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý, thời gian từ nay đến thời điểm chính tắt sóng analog hoàn toàn tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn rất ngắn nên cần các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cả địa phương đều phải thực sự vào cuộc, triển khai một đồng bộ, có sự thống nhất cao.

Đảm bảo chuyển đổi từ analog sang truyền hình số không gián đoạn

Liên quan đến vấn đề đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương lân cận cho giai đoạn 1, theo đại diện Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, với khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hải Phòng có các vùng lõm là Kiến An, Đồ Sơn (phía sau núi Phú Liễn), huyện Thủy Nguyên, Cát Bà và Cát Hải.

Hiện tại, dữ liệu quản lý của Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, Đài phát thành huyện Thủy Nguyên đã ngừng phát lại kênh chương trình truyền hình tương tự mặt đất VTV3 tại Thủy Nguyên; các hộ gia đình tại Thủy Nguyên chủ yếu hiện thu xem truyền hình qua vệ tinh và truyền hình cáp. Để đảm bảo vùng phủ sóng cho Hải Phòng tại giai đoạn 1, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo đã đề nghị Công ty Truyền dẫn phát sóng đồng bằng sông Hồng (RTB) có báo cáo giải pháp cụ thể cho các vấn đề nêu trên, đảm bảo vùng phủ sóng tại các vũng lõm.

Tại khu vực Nam Bộ, khi VTV ngừng phát sóng kênh truyền hình tương tự VTV2 tại TP.Cần Thơ, phần lớn địa bàn Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng (vùng phủ sóng của VTV2 đang phát trên các kênh tần số 12VHF lớn hơn vùng phủ sóng của VTV1. Theo báo cáo của Sở TT&TT Trà Vinh, do các hộ dân dùng khuếch đại ăng-ten nên vùng ảnh hưởng trên thực tế rất lớn, chiếm gần hết địa bàn tỉnh và đến tận các huyện ven biển. Trong khi đó, sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 của VTV chỉ phủ được một số huyện ở phía Tây Bắc của tỉnh; các huyện ở phía Đông, Đông Nam, đặc biệt là một số huyện ven biển chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất.

Như vậy, khi ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại TP.Cần Thơ, sẽ có một số địa bàn thuộc tỉnh Trà Vinh không tiếp tục thu xem được kênh truyền hình tương tự mặt đất VTV2 của VTV. Tiểu ban giúp việc đã đề nghị VTV xem xét đề xuất giải pháp cụ thể để đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại tỉnh Trà Vinh.

Trong phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất ở 4 thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương lân cận cho giai đoạn 1. Bởi lẽ, khi tắt sóng analog tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM thì không chỉ 4 địa phương này ảnh hưởng mà còn có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố nêu trên (ước tính khoảng 50% dân số nằm trong vùng số hóa truyền hình của giai đoạn 1).

“Các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng phối hợp với các địa phương, rà soát, đảm bảo vùng phủ sóng, chất lượng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các đài phát sóng chính theo quy định. Quan điểm là không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đảm bảo việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất không bị gián đoạn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: “Số hóa truyền hình phải đặt nặng lợi ích người xem”

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao Bằng khen của Trưởng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho các cá nhân, tập thể.

Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao Bằng khen của Trưởng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc nhiệm vụ triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2013 - 2015.

Theo quyết định của Trưởng Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, 2 tập thể và 12 cá nhân được tặng Bằng khen gồm có: Phòng Chính sách quy hoạch tần số; Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3; ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (TSVTĐ); ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ; ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục TSVTĐ; ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT; ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị, Bộ KH&ĐT; bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính; ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm truyền dẫn phát sóng, Đài Truyền hình Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng; ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng; ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó trưởng phòng phụ trách quy hoạch, Cục TSVTĐ; bà Ngô Thanh Hương, phòng Chính sách quy hoạch, Cục TSVTĐ; ông Hồ Quang Sơn, phòng Chính sách quy hoạch, Cục TSVTĐ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận