Tổng giám đốc SCTV đề nghị quản lý nội dung trên Android Box và OTT

Tổng giám đốc SCTV đề nghị quản lý nội dung trên Android Box và OTT

Tổng giám đốc SCTV đề nghị quản lý nội dung trên Android Box và OTT

Hội thảo được tổ chức tại Đà Lạt trong lĩnh vực truyền hình.

Tại Hội thảo “Phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình: Thách thức và cơ hội’ được tổ chức tại Đà Lạt mới đây, ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết, vài năm gần đây các đơn vị truyền hình trả tiền gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong việc phát triển nội dung để thu hút người xem và cân đối bài toán doanh thu - chi phí.

Vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng

Nguyên nhân đầu tiên mà ông Úy đề cập đến là do vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan trên các trang mạng, có khi phim mua về chưa kịp phát sóng đã có phát trên mạng rồi, hoặc vừa phát xong tức thì trên mạng cũng có bản truyền hình vừa phát. Mặc dù đã có hẳn một bộ phận hàng ngày chuyên phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm nhưng vẫn không làm xuể, dẫn đến hậu quả đầu tư cho bản quyền, cho sản xuất thì nhiều nhưng người xem thấp, doanh thu sụt giảm. Chưa kể, xu hướng gần đây xuất hiện rất nhiều đầu thu Android Box tích hợp các ứng dụng nội dung giải trí có bản quyền không rõ ràng, quảng cáo tràn lan trên các trang báo mạng, thu hút một lượng người dùng không nhỏ, gây ảnh hưởng đáng kể đến việc đầu tư nội dung để phát triển thuê bao.

Khó khăn thứ hai mà ông Úy nói đến đó là sự hiện diện của nhiều dịch vụ OTT xuyên biên giới, lớn nhỏ khác nhau, đại đa số khai thác kho nội dung của nước ngoài mà chưa chịu sự quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trong đó có nhiều nội dung của các dịch vụ này không phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam, vi phạm nhiều quy định kiểm duyệt mà SCTV cũng như các đơn vị truyền hình chính thống trong nước đang hết sức tuân thủ.

Do đó, ông Trần Văn Úy đã kiến nghị Bộ TT&TT sớm triển khai các biện pháp, công cụ quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý công bằng, minh bạch cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình hoạt động tại Việt Nam.

Còn đối với sự cạnh tranh trong nước, thời gian tới đây, truyền thông nói chung, truyền hình trả tiền nói riêng sẽ bị cạnh tranh vô cùng khốc liệt bởi các nhà mạng viễn thông như Viettel, VNPT, FPT ... Hiện nay, doanh thu của viễn thông chiếm 96%, truyền thông chỉ có 4%.

Chi phí mua bản quyền quốc tế ngày càng đắt đỏ

Cũng theo ông Úy, chi phí bản quyền các kênh quốc tế và các giải thể thao đỉnh cao ngày một tăng cao, trở thành gánh nặng đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, trong khi mức thu nhập và sẵn sàng chi trả của đại bộ phận người dân nước ta còn khá thấp. Nếu đầu tư vào bản quyền này thì các đơn vị truyền hình trả tiền hầu như không còn ngân sách dành cho sản xuất nội dung đặc sắc và riêng biệt của mình nữa.

“Đơn cử trong năm 2018, tổng số tiền bản quyền thể thao, cộng với bản quyền các kênh và chương trình nước ngoài đã chiếm tới 80% ngân sách, có nghĩa là 80% tổng ngân sách nội dung của chúng tôi là trả cho các nhà cung cấp (chủ yếu là nước ngoài). Như vậy để thấy số tiền còn lại để đầu tư những nội dung thật hấp dẫn, thật đặc sắc, thuộc quyền sở hữu của mình để sử dụng lâu dài, là rất hạn chế”, ông Úy phát biểu.

Trong bối cảnh ngành truyền hình thay đổi rất nhanh như hiện nay, bắt buộc các đơn vị truyền hình trả tiền phải tự thích nghi nhanh và mạnh với xu thế của người dùng, xu hướng công nghệ, đồng thời giữ vững và phát huy những giá trị cốt lõi đã gây dựng trong nhiều năm.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận