* Mỹ tích hợp Radar LTAMDS mới vào hệ thống phòng không Patriot PAC-3
Quân đội Mỹ vừa đạt được cột mốc quan trọng trong nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa và không quân, khi tiến hành thử nghiệm thành công việc tích hợp radar LTAMDS vào hệ thống phòng không Patriot PAC-3.
Trong các cuộc thử nghiệm, cảm biến phòng thủ tên lửa và phòng không thế hệ tiếp theo này đã phát hiện, theo dõi và phân loại thành công các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và tên lửa hành trình tầm thấp. Được tích hợp với hệ thống chỉ huy chiến đấu tích hợp (IBCS), LTAMDS giúp đưa ra các giải pháp chính xác, cho phép hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 vô hiệu hóa hiệu quả các mối đe dọa. Được đặt ở chế độ giám sát 360 độ, kết quả thử nghiệm đã chứng minh khả năng phát hiện và theo dõi tiên tiến của LTAMDS.
Hệ thống radar thế hệ tiếp theo LTAMDS sẽ thay thế hệ thống cũ nhằm nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và siêu vượt âm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Việc tích hợp LTAMDS vào PAC-3 được đánh giá là bước tiến lớn về mặt kỹ thuật. Cảm biến này cung cấp phạm vi phủ sóng 360 độ, giải quyết các hạn chế về góc nhìn của radar Patriot. Phạm vi phủ sóng mở rộng này đạt được thông qua mảng radar chính hướng về phía trước và hai mảng phụ hướng về phía sau, cho phép liên tục phát hiện các mối đe dọa từ mọi hướng. Khả năng này đặc biệt quan trọng đối với các cuộc tấn công đa trục, trong đó đối phương tung ra các mối đe dọa đồng thời từ nhiều hướng, bao gồm tên lửa hành trình bay thấp và vũ khí siêu vượt âm, có thể lợi dụng điểm mù của radar để tấn công.
LTAMDS giúp tăng cường hiệu suất của hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 nhờ phạm vi phát hiện tăng lên, cho phép xác định mối đe dọa sớm hơn. Theo đó, tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 có nhiều thời gian hơn để tính toán quỹ đạo đánh chặn tối ưu, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa di chuyển nhanh như tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Radar LTAMDS cũng cung cấp dữ liệu theo dõi có độ phân giải cao hơn, cho phép hệ thống Patriot PAC-3 nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa với độ chính xác cao, ngay cả khi giao tranh với các tên lửa nhỏ, tốc độ cao.
Một tính năng quan trọng khác của LTAMDS là khả năng xử lý nhiều mục tiêu cùng lúc. Cấu trúc radar tiên tiến cho phép theo dõi và ưu tiên nhiều mối đe dọa theo thời gian thực. Khi tích hợp với IBCS, hệ thống này có thể phân bổ tên lửa đánh chặn một cách hiệu quả, đảm bảo vô hiệu hóa các mối đe dọa có mức độ ưu tiên cao nhất.
Là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến, Patriot PAC-3, khi kết hợp với LTAMDS, hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, khả năng hợp nhất dữ liệu vượt trội của LTAMDS cho phép Patriot PAC-3 điều chỉnh quỹ đạo tên lửa khi bay dựa trên cập nhật thời gian thực.
Sự tích hợp kỹ thuật này đánh dấu một bước chuyển đổi trong việc hiện đại hóa cấu trúc phòng thủ tên lửa và phòng không của Quân đội Mỹ. Bằng cách thay thế radar cũ bằng LTAMDS, Quân đội Mỹ có được một hệ thống cảm biến cung cấp khả năng phát hiện, theo dõi vượt trội và khả năng tấn công các mối đe dọa tiên tiến nhất hiện nay và trong tương lai.
* Vì sao xe chiến đấu Bradley vẫn được ưa chuộng?
Mặc dù được ra mắt từ thập niên 1980, xe chiến đấu M2 Bradley vẫn được đánh giá là khí tài quan trọng đối với các đơn vị bộ binh cơ giới và kỵ binh thiết giáp, với khả năng thích ứng, cơ động và phục hồi trong các tình huống chiến đấu đa dạng.
Tuổi thọ của Bradley là minh chứng cho khả năng của phương tiện này. Theo đó, trong 4 thập kỷ phục vụ, xe chiến đấu này đã trải qua nhiều lần nâng cấp để giải quyết các lỗ hổng và tích hợp các công nghệ tiên tiến. Các tính năng như hệ thống định vị GPS, kho chứa đạn được cải thiện và ghế ngồi được thiết kế lại đã giúp nền tảng này luôn phù hợp. Bên cạnh đó, Bradley được đánh giá cao với hỏa lực mạnh, nhờ được trang bị súng máy Bushmaster 25mm, bệ phóng tên lửa chống tăng TOW kép và súng máy 7,62mm.
Để đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực của mình, Quân đội Mỹ đang phát triển xe chiến đấu bộ binh cơ giới XM30. Tuy nhiên, các hợp đồng gần đây cho thấy Bradley sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nhiều năm tới. Vào tháng 9, BAE Systems đã ký hợp đồng trị giá 440 triệu USD để sản xuất hơn 200 biến thể A4, có hệ thống giáp, thiết bị điện tử và vũ khí được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu hiện đại.
Xe chiến đấu Bradley có hỏa lực mạnh và tính cơ động cao. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Trong bối cảnh UAV và đạn tuần kích với khả năng nhắm vào các điểm dễ bị tổn thương trên xe bọc thép đã và đang nổi lên như những mối đe dọa đáng lo ngại, trong khi tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ mới với khả năng xuyên giáp được tăng cường, đặt ra những thách thức đối với lớp giáp hiện tại của Bradley, các chuyên gia cho rằng, các nâng cấp trong tương lai cần ưu tiên các biện pháp đối phó tiên tiến, chẳng hạn như hệ thống bảo vệ chủ động (APS), cảm biến cải tiến và khả năng tác chiến điện tử nâng cao. Việc tăng cường bộ phòng thủ của Bradley là rất quan trọng, để đảm bảo hiệu quả liên tục trong các cuộc xung đột cường độ cao.
Xe chiến đấu Bradley đã xây dựng được danh tiếng trong suốt 43 năm phục vụ. Với những nâng cấp nhằm giải quyết các mối đe dọa mới nổi, Bradley sẽ vẫn được đánh giá là sự hiện diện đáng gờm trên chiến trường trong nhiều năm tới.
* Thụy Điển “chơi lớn” nhằm hiện đại hóa quân đội
Mới đây, Thụy Điển đã quyết định mua mua 15.000 khẩu súng trường Colt M4A1 nhằm thay thế súng trường AK5 đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ như một phần của kế hoạch hiện đại hóa quân đội nước này.
Súng trường tự động Colt M4A1 là một trong những loại vũ khí mang tính biểu tượng và được sử dụng rộng rãi nhất trong quân đội hiện đại. Vũ khí này nổi tiếng về tính linh hoạt, độ bền và hiệu quả hoạt động trong nhiều điều kiện chiến đấu khác nhau.
Phát triển từ nền tảng M16, M4A1 đã trở thành trụ cột của Quân đội Mỹ, các đồng minh NATO và các cơ quan quân sự và thực thi pháp luật quốc tế khác. Được biết đến với thiết kế nhẹ, dạng mô-đun và khả năng thích ứng cao, M4A1 đã chứng tỏ là một vũ khí không thể thiếu trên chiến trường hiện đại.
M4A1 là một trong những loại vũ khí mang tính biểu tượng và được sử dụng rộng rãi nhất trong quân đội hiện đại. Ảnh: MilitaryNewsUA |
Được đánh giá là đáng tin cậy và dễ bảo trì, M4A1 có thể hoạt động hiệu quả trong cận chiến cũng như tấn công ở cự ly xa nhờ sử dụng cỡ đạn tiêu chuẩn 5.56×45mm NATO với độ giật nhẹ và tầm bắn xa. Với chiều dài nòng súng tiêu chuẩn là 36,8cm, M4A1 có thiết kế nhỏ gọn, giúp tăng cường khả năng cơ động trong không gian chật hẹp mà không làm giảm quá nhiều độ chính xác hoặc tầm bắn. Bên cạnh đó, M4A1 tương đối nhẹ, với trọng lượng chỉ 2,94kg, nên dễ mang theo trong thời gian dài. Điều này rất quan trọng khi binh sĩ phải di chuyển trong môi trường chiến đấu năng động.
Phạm vi hiệu quả của M4A1 là khoảng 500m. Thiết kế mô-đun là một trong những tính năng nổi bật của M4A1, với thanh ray Picatinny cho phép gắn nhiều loại phụ kiện như quang học, đèn laser, đèn chiếu sáng, tay cầm trước, cho phép sử dụng trong nhiều môi trường tác chiến khác nhau, từ tác chiến đô thị đến các cuộc giao tranh trên chiến trường thông thường. Không chỉ thay thế các loại vũ khí, trang bị đã cũ, Thụy Điển đang có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô quân đội vào năm 2030. Theo đó, nước này sẽ chuyển sang vũ khí có khả năng tương tác cao hơn, tầm bắn, độ chính xác và độ tin cậy tốt hơn.
TRẦN HOÀI (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.qdnd.vn
Tham gia bình luận