Loại tên lửa hành trình có tầm bắn xa hơn cả Taurus và Storm Shadow

Loại tên lửa hành trình có tầm bắn xa hơn cả Taurus và Storm Shadow

Chú thích ảnh
Tên lửa MdCN. Ảnh: MBDA

Theo trang en.defence-ua.com ngày 27/5, sau khi Đức tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga, tới nay, cả bốn nước gồm Đức, Mỹ, Anh và Pháp đều đã dỡ bỏ lệnh cấm này. Trong bối cảnh đó, sự chú ý đã chuyển sang tầm bắn thực tế của các loại vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Điều quan trọng cần lưu ý là tầm bắn hiệu quả của tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu đối phương không chỉ phụ thuộc vào tầm bay tối đa, mà còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các bản đồ số hóa chi tiết phục vụ điều hướng và xác định mục tiêu.

Hơn nữa, tên lửa hành trình không bay theo đường thẳng mà di chuyển theo lộ trình phức tạp được lập trình sẵn để né tránh hệ thống phòng không của đối phương. Do đó, dù tên lửa Storm Shadow/SCALP có tầm bắn danh nghĩa là 560 km, nhưng con số này cần được điều chỉnh. Vị trí phóng có thể nằm cách tiền tuyến từ 80 đến 90 km và đường bay ngoằn ngoèo của tên lửa làm giảm thêm chiều sâu tấn công hiệu quả.

Tầm bắn của tên lửa Đức Taurus là trên 500 km, đặt loại này vào cùng phân khúc với Storm Shadow/SCALP, đặc biệt nếu xét đến khả năng hoạt động trong giai đoạn bay cuối cùng.

Tuy nhiên, cả Storm Shadow/SCALP lẫn Taurus đều không phải là tên lửa hành trình có tầm xa nhất châu Âu. Danh hiệu đó thuộc về tên lửa MdCN (Missile de Croisière Naval) của Pháp, còn được gọi là SCALP Hải quân. Tên lửa này không chỉ đang được sản xuất hàng loạt mà còn đã được đưa vào biên chế quân đội Pháp.

MdCN là một loại tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến, phát triển từ nền tảng SCALP. Tên lửa này có tầm bắn chính thức là từ 1.000 - 1.400 km, mang theo đầu đạn nặng khoảng 300 kg. Với tầm bắn như vậy, MdCN rõ ràng thuộc loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa thực thụ.

Như tên gọi, MdCN là vũ khí hải quân, được phóng thẳng đứng từ các ống phóng đa năng A70 Sylver cao khoảng 7 mét.

Hiện không có thông tin công khai nào cho thấy Pháp có ý định chuyển tên lửa MdCN cho Ukraine. Hơn nữa, chuyển tên lửa này cho Ukraine sẽ đòi hỏi phát triển một hệ thống phóng trên mặt đất, có thể là dạng container tương tự hệ thống Mk 70 dùng cho tên lửa Tomahawk.

Những nỗ lực như vậy sẽ phù hợp với sáng kiến rộng hơn của châu Âu nhằm phát triển tên lửa hành trình triển khai trên bộ trong khuôn khổ chương trình ELSA (cách tiếp cận tấn công tầm xa châu Âu). Tuy nhiên, dự án này đang bị trì hoãn. Dẫu vậy, các bệ thử nghiệm và những giải pháp tạm thời khác đã được thiết lập.

Nếu có các cuộc thảo luận nghiêm túc về việc chuyển MdCN hoặc một biến thể tên lửa hành trình triển khai trên bộ cho Ukraine trong tương lai, điều đó sẽ mở ra khả năng tấn công sâu hơn nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, số lượng tên lửa MdCN hiện có là có hạn. Theo nhiều nguồn tin, Pháp chỉ có khoảng 200 tên lửa này trong kho.

Trước đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz xác nhận Anh, Pháp, Mỹ và hiện nay là Đức đã dỡ bỏ những hạn chế về tầm bắn đối với các loại vũ khí cung cấp cho Ukraine. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình WDR, Thủ tướng Merz nhấn mạnh: “Không còn hạn chế nào về tầm bắn đối với các loại vũ khí cung cấp cho Ukraine... Như vậy, Ukraine hiện có thể tự vệ, bao gồm cả tấn công các cứ điểm quân sự trên lãnh thổ Nga”.

Tuy nhiên, ông Merz - người mới nắm quyền chưa đầy ba tuần - đã từ chối trả lời câu hỏi liệu Đức có đang chuẩn bị chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine hay không. Khi còn là lãnh đạo phe đối lập, ông từng ủng hộ cung cấp loại tên lửa này cho Ukraine, điều mà người tiền nhiệm của ông là ông Olaf Scholz đã từ chối thực hiện.

Theo hãng tin Reuters ngày 26/5, Điện Kremlin đã lên tiếng trước động thái trên. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng quyết định như vậy sẽ đi ngược lại nguyện vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp chính trị.

Trước đây, Ukraine đã nhận được tên lửa tầm xa từ Mỹ, Anh và Pháp như ATACMS và Storm Shadow/SCALP, nhưng ban đầu chỉ được phép triển khai để tấn công lực lượng quân sự Nga trên các vùng lãnh thổ của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Chỉ đến cuối năm 2024, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden và các đồng minh châu Âu khác của Ukraine mới nới lỏng các lệnh cấm trên, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa chống các mục tiêu quân sự của Nga ở các khu vực biên giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích quyết định nới lỏng lệnh cấm của cựu Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh ông Trump đang theo đuổi một giải pháp đàm phán để đi đến thỏa thuận hòa bình giữa Moskva và Kiev.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận