Khối núi hình tròn chứa đầy kim loại quý

Khối núi hình tròn chứa đầy kim loại quý

“Núi kho báu” tập trung nhiều quặng bạch kim, vàng và kim loại quý khác, là kết quả của quá trình vận động địa chất và xói mòn kéo dài một tỷ năm.

Khối núi Kondyor Massif trong ảnh vệ tinh NASA.
Khối núi Kondyor Massif trong ảnh vệ tinh NASA. (Ảnh: Siberian Times).

Khối núi Kondyor Massif nằm ở vùng Khabarovsk hẻo lánh thuộc , cách vùng biển Okhotsk 600 km về phía tây nam và cách Yakutsk 570 km về phía đông nam. Cấu trúc địa chất này có đường kính 8 km, nhô cao 600 m, lớn gấp gần 7 lần miệng hố thiên thạch ở Arizona, Mỹ.

Nhìn từ trên cao, Kondyor Massif trông giống một núi lửa cổ đại hoặc vết tích do va chạm với thiên thạch gây ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nguyên nhân dẫn tới hình dáng đặc biệt của khối núi là magma nóng chảy từ đá núi lửa kết tinh bên dưới mặt đất cách đây hơn một tỷ năm, tạo thành hình tròn hoàn hảo.

Khối núi trải qua quá trình xói mòn trên mặt đất trong thời gian dài. Cứng hơn so với nền đất xung quanh, Kondyor Massif là cạnh trên cùng bề mặt của cột đá chậm rãi kéo sâu vào trong lớp vỏ Trái Đất và tàn tích của mái vòm xói mòn một phần. Một dòng suối chảy ra từ giữa khối núi, được bổ sung nước từ tuyết tan chảy ở vành núi. Nhiều dòng suối nhỏ hơn tỏa ra từ vành núi, cung cấp nước cho sông Kondyor nằm ở mặt phía bắc.

Những dòng suối này chứa các mỏ bạch kim ở dạng tinh thể, hạt và thỏi, cùng với vàng và nhiều khoáng sản quý khác. Một số tinh thể rất sắc trong khi nhiều tinh thể khác có cạnh tròn. Đặc biệt, Kondyor Massif là nơi tập trung nhiều tinh thể bạch kim phủ vàng vô cùng hiếm gặp và có chất lượng tốt nhất thế giới. Khối núi cũng nổi tiếng với loại khoáng sản đặc biệt gọi là Konderite, cấu tạo từ đồng, bạch kim, rhodium, chì và lưu huỳnh. Lượng bạch kim khai thác tại đây hàng năm lên tới 4 tấn. Vì vậy, Kondyor Massif còn được mệnh danh là "núi kho báu".

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận