15/3 là hạn chót nộp hồ sơ xin cấp phép cho DN truyền hình cáp địa phương

15/3 là hạn chót nộp hồ sơ xin cấp phép cho DN truyền hình cáp địa phương

15/3 là hạn chót nộp hồ sơ xin cấp phép cho DN truyền hình cáp địa phương

Theo một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, trong tháng 3 Cục sẽ rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương đang hoạt động theo giấy phép cũ đã cấp từ nhiều năm trước đây. Hướng dẫn các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương nộp hồ sơ xin cấp phép theo đúng quy định của Luật Viễn thông, sau đó sẽ  xem xét cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp địa phương cho những doanh nghiệp nào đủ điều kiện.

Mới đây, Cục đã phối hợp tổ chức họp với các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương để tìm hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp này đang gặp phải. Qua đó đã thấy được một số nguyên nhân khiến các đơn vị này chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép chủ yếu là do không đáp ứng yêu cầu đặt ra, trong đó chủ yếu là không đáp ứng yêu cầu tài chính để thực hiện mua bản quyền nội dung vì đa số là các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời cũng nổi lên một khó khăn lớn nhất đó là các doanh nghiệp này rất khó có thể xin thỏa thuận của các đài để có đủ quyền phát sóng các kênh thiết yếu theo quy định.

Theo vị lãnh đạo này, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã trao đổi giải thích, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và đến 15/3/2017 là hạn cuối cùng phải hoàn thiện nộp hồ sơ. Hiện có khoảng hơn 20 doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương đang hoạt động, trong số các doanh nghiệp này có khoảng 1 triệu thuê bao. Nếu không tiến hành cấp phép cung cấp dịch vụ sẽ khó quản lý và cũng không triển khai thu được phí theo quy định mới đây của nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cuối năm 2016 có tổng số 32 doanh nghiệp truyền hình đang hoạt động, trong đó 2 doanh nghiệp truyền hình quảng bá, 30 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, với tổng số lao động là 9.800 người. Tính đến hết năm 2016, số thuê bao truyền hình trả tiền đạt 12,5 triệu thuê bao. Doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng.

Trong số các 30 doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền thì có 3 doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh là VTC, MobiTV, K+; các đơn vị có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc có SCTV, VTVcab, Viettel, FPT; bên cạnh đó VNPT, Viettel có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV. Còn lại là các doanh nghiệp truyền hình cáp cung cấp dịch vụ trong phạm vi 1 tỉnh, hoặc vài tỉnh lân cận.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng theo Luật Viễn thông, đồng thời phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP thì mới đủ điều kiện để kinh doanh.

Trong tổng số 12.000 tỷ đồng doanh thu của truyền hình trả tiền năm 2016, riêng Truyền hình cáp SCTV ước đạt doanh thu hơn 3.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 290 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động ở SCTV đạt gần 14 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2017 là năm đầu tiên các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải đóng khoản phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo đó, theo Thông tư mới được Bộ Tài chính ban hành, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải nộp 1,3% trên doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Bộ TT&TT là tổ chức chịu trách nhiệm thu phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền.

Doanh thu tính phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền quy định tại khoản này là tổng doanh thu phát sinh từ hợp đồng với các thuê bao truyền hình trả tiền và thu từ dịch vụ giá trị gia tăng trong kỳ tính phí.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận