Điện tử viễn thông: Ngành xu thế mới đầy tiềm năng

Điện tử viễn thông: Ngành xu thế mới đầy tiềm năng

Cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng đã tạo ra một làn sóng mới tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống và trên mọi lĩnh vực là tiền đề cho ngành Điện tử viễn thông phát triển mạnh mẽ.

Điện tử viễn thông được dự đoán là một ngành hot trong tương lai.

Cơ hội trong ngành Điện tử viễn thông

Đại dịch Covid-19 diễn ra, các sản phẩm công nghệ thông tin - viễn thông trở thành một trong những phương thức cứu cánh quan trọng hàng đầu trong công tác truy vết các ca bệnh, khắc phục những hạn chế trong thời gian giãn cách xã hội bằng những phần mềm học trực tuyến, thanh toán online...

Các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều tăng cường áp dụng những mô hình mới dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí.

Ngân hàng nhà nước đã trình lên Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tạo “cơ hội vàng” cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ lớn từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á

Căng thẳng chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng trong khu vực ASEAN. Khoảng cách về dòng vốn FDI vào Việt Nam và Trung Quốc càng thu hẹp, đặc biệt năm 2019, tỉ lệ nhà đầu tư chọn Việt Nam là 41% và Trung Quốc là 48%.

Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, bất động sản, bán buôn, bán lẻ… thì nay xu hướng đó đã dịch chuyển sang các lĩnh vực (i) công nghệ thông tin, công nghệ cao; (ii) thiết bị điện tử, phụ kiện; (iii) logistics, thương mại điện tử…

58,9% doanh nghiệp công nghệ nhận định sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực nâng cao sản xuất, cải tiến và nghiên cứu sản phẩm.

Thử nghiệm mạng 5G thành công, thị trường viễn thông “nóng” trở lại

Thị trường viễn thông sẽ chứng kiến những cuộc đua của các nhà mạng trong việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm, dịch vụ 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch vụ 5G được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Sự xuất hiện của các smart home, smart city kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng mạnh, điều này đã tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ viễn thông trong và ngoài nước có cơ hội hợp tác, hoàn thiện hóa hệ thống tự động, nâng cao áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Ngoài ra, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản cũng đang chuyển mình sang các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Xu hướng phát triển ngành Điện tử viễn thông

Kết nối 5G sẽ là hạ tầng chủ đạo

Thế hệ thông tin di động thứ nhất (1G) được “trình làng” lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ XX. Kết nối 1G hoạt động dựa trên nguyên lý là hệ thống giao tiếp thông tin qua kết nối tín hiệu tương tự, hay còn được biết đến với thuật ngữ analog.

Thế hệ thông tin thứ 2 (2G) được ra mắt năm 1991 đã có sự cải tiến mạnh mẽ hơn. Thay vì sử dụng analog, 2G đã sử dụng tín hiệu kỹ thuật số Digital để kết nối ở phạm vi rộng rãi hơn, đặc biệt cho phép người dùng nhắn dạng văn bản SMS.

Khi 3G xuất hiện, nó cho phép người dùng truyền tải và sử dụng cả dữ liệu thoại và phi thoại bao gồm email, tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, clip,… 3G cũng đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ từ các thiết bị di động bình thường đến các thiết bị smartphone.

Tuy nhiên dường như 3G chưa thể thỏa mãn được các thiết bị di động thông minh này dẫn đến sự ra đời của 4G. Trong khi mà 4G vẫn thống trị trên toàn thế giới với công nghệ tân tiến và hiện đại, và hiện nay chúng ta có thế hệ kế nhiệm 5G.

Kết nối 5G được coi là xu thế của ngành viễn thông hiện nay với các kỳ vọng vô cùng lớn lao. Nó có thể truyền dữ liệu cực cao, kết nối với công suất lớn nhưng nguồn tiêu thụ lại tỉ lệ nghịch. Nó có các tính năng mà các thế hệ di động trước đó chưa bao giờ có thể làm được, dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối.

Người dùng là trung tâm của dịch vụ

Hiện nay trên Thế giới đã phát triển rất nhiều các dịch vụ viễn thông, trong đó phải kể đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, hơn 120 triệu thuê bao trả trước của những nhà mạng lớn tại Việt Nam đã có thể thực hiện chuyển dịch vụ này, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho ngành viễn thông nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Đối với người tiêu dùng, việc chuyển mạng, giữ nguyên số hỗ trợ họ chủ động lựa chọn dịch vụ thích hợp nhất với mình mà không phải đổi số điện thoại. Như vậy người dùng đã trở thành trung tâm và giá trị cao nhất đối với các doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn thích hợp với xu hướng phát triển cá nhân hóa người sử dụng trong tương lai.

Mặt khác, xu hướng này cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh trong nâng cao chất lượng nhà mạng cũng như hoạt động chăm sóc khách hàng sẽ đặc biệt được chú trọng.

Nâng cao tư duy quản lý và năng lực con người

Trên thế giới hiện nay, không khó để thấy những thuật ngữ “chuyển đổi số”, “xã hội số”, “kinh tế số”… Đây là những mục tiêu hàng đầu và là mục tiêu phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0.

Khác với những cuộc “chuyển đổi số” trước đó, công cuộc “chuyển đổi số” thứ tư với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 gắn liền với điện thoại thông minh, Internet kết nối vạn vật, cáp quang băng thông rộng đến từng nhà, big data và trí tuệ nhân tạo AI.

Điều này còn mở ra một thế giới tri thức vô cùng rộng lớn và bao la mà ở đó máy móc dường như đã có thể “thông minh” ngang với con người. Nhưng quan trọng hơn, cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra một thế giới mà ở đó thực - ảo khó phân biệt, công nghệ bị sử dụng cho những mục đích xấu đi ngược lại với lợi ích và sự phát triển chung.

Trong xu hướng đó, sự quản lý, đổi mới và sáng tạo của con người cần thiết hơn bao giờ hết. Ở đó, thay vì phụ thuộc vào công nghệ, chúng ta cần làm chủ và ứng dụng nó một cách tối đa trong các hoạt động đời sống, đồng thời bổ sung cái cũ và tạo những ý tưởng hoàn toàn mới.

Đặc biệt, điều quan trọng nhất đối với các quốc gia đi sau trong cuộc chơi toàn cầu là sử dụng chiến lược “đi tắt đón đầu” để tận dụng tối đa nguồn tài nguồn tri thức của các quốc gia đi trước.

Theo Tạp chí Điện tử

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận