Cân nhắc xác định mức giá khởi điểm khi đấu giá băng tần 2,6Ghz

Cân nhắc xác định mức giá khởi điểm khi đấu giá băng tần 2,6Ghz

Cân nhắc xác định mức giá khởi điểm khi đấu giá băng tần 2,6Ghz

Việc đấu giá băng tần 2,6Ghz có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển dịch vụ 4G ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT về tổ chức đầu giá băng tần 2,6GHz, Hội đồng đấu giá trong tháng 2 đã có phiên họp lần thứ hai xem xét các vấn đề chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá. Ông Hoan cho hay, sau khi các thành viên hội đồng thảo luận thì còn một số vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, nhất là về giá khởi điểm, cũng như căn cứ để đưa ra mức giá khởi điểm.

Trước đó, để chuẩn bị cho phiên họp của Hội đồng, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cũng hoàn thành việc nghiên cứu để có sở cứ đưa ra các quy định trong hồ sơ mời đấu giá. Sau khi thảo luận, Hội đồng thống nhất ở Việt Nam khó có đơn vị nào nghiên cứu kỹ hơn về các vấn đề xung quanh tổ chức đấu giá băng tần như ở Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông. Do đó, Hội đồng đã thông qua việc tiếp tục giao cho Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông bổ sung các luận cứ có thể xem xét để bổ sung vào tính giá khởi điểm. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, đưa ra Hội đồng sẽ quyết định mức giá khởi điểm và thông qua hồ sơ đấu giá.

Dự kiến phiên họp thứ ba của Hội đồng đấu giá sẽ được tổ chức trong tháng 3/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, việc tổ chức đấu giá băng tần 2,6GHz gắn chặt với mục tiêu quản lý của nhà nước nên phải được giao cho đơn vị của Bộ nghiên cứu, không tìm phương án đi thuê tư vấn nước ngoài như một số ý kiến đề nghị. Về các điều kiện tổ chức đấu giá, tính giá đề nghị doanh nghiệp viễn thông cũng chủ động đề xuất phương án để Hội đồng xem xét.

Việc tổ chức đấu giá băng tần 2,6GHz được Thủ tướng Chính phủ thông qua trong Quyết định số 835/QĐ-TTg ngày 3/6/2014 quy định các băng tần được đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.  Cụ thể, các băng tần được đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện gồm: Băng tần 2300 - 2400 MHz, băng tần 2500 - 2570 MHz và băng tần 2620 - 2690 MHz cho hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT.

Trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhắc nhở các đơn vị của Bộ phải khẩn trương tổ chức đấu giá băng tần 2,6Ghz. 

Việc sớm tổ chức đấu giá băng tần 2,6Ghz có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển dịch vụ 4G ở Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế, Chính phủ Việt Nam nên sớm cấp thêm băng tần đã được duyệt cho 4G với các băng tần 2.6 GHz và 2.3 GHz để các nhà mạng có thể đưa ngay dịch vụ 4G Advance đến với người dùng. Muốn phổ cập 4G rộng hơn, Việt Nam có thể cấp phép băng tần thấp cho 4G như băng tần 700MH sau khi số hóa truyền hình. Như vậy, Việt Nam không triển khai 4G sớm như các nước nhưng có thể phổ cập nhanh 4G đến người dùng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận