K+ và BHD tìm cách chống vi phạm bản quyền

K+ và BHD tìm cách chống vi phạm bản quyền

K+ và BHD tìm cách chống vi phạm bản quyền

BHD giới thiệu dịch vụ xem phim có bản quyền DANET trên mạng Internet tại Triển lãm Telefilm 2016. Ảnh: theo vtv.vn

Trước vấn nạn các nội dung do các đơn vị truyền hình bị công khai lấy trộm trên hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn các trang web khai thác nội dung lậu, hầu hết các đơn vị sản xuất nội dung truyền hình, điện ảnh đã phải tự tìm cách bảo vệ mình.

Chia sẻ tại Hội thảo chung tay bảo vệ quyền tác giả trong khuôn khổ Triển lãm Telefilm 2016 vào sáng 13/7/2016, bà Phạm Thanh Thủy, đại diện K+ cho hay, K+ đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ bản quyền. Bên cạnh biện pháp dùng công nghệ để truy tìm người quay lại phim và phát tán phim đó trên mạng Internet. K+ đã dùng biện pháp pháp lý, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm đó.

Mới đây nhất, K+ đã đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT truy tìm và xử lý người phát triển ứng dụng FlyTV trên di động, thu lại các chương trình của K+ và phát tán trên Internet để kiếm lợi. Đáp ứng nhu cầu xem phim mọi lúc, mọi nơi của người dùng, K+ cũng cung cấp cho khách hàng ứng dụng myK+ có thể xem các nội dung có bản quyền của K+ trên nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại, máy tính bảng, máy tính.

Đến thời điểm giải trí online phát triển mạnh và việc truy cập vào các trang web lậu có đầy rẫy những rủi ro cho người dùng thì việc có được một trang web lành mạnh sẽ mang lại sự yên tâm cho người dùng. Do vậy, BHD tính đến việc đầu tư lâu dài và một trang mạng “tử tế” nhằm cung cấp cho người dùng một môi trường giải trí an toàn trên Internet.

BHD đang chuẩn bị cung cấp dịch vụ xem phim theo yêu cầu DANET, người xem có nhiều gói dịch vụ khác nhau như: gói dịch vụ miễn phí có kèm quảng cáo; phim gói với thư viện nhiều phim điện ảnh, đối với gói phim này BHD hợp tác với 6 hãng phim của Mỹ để cung cấp phim có bản quyền với giá 50.000 đồng/tháng; dịch vụ thuê phim, người dùng có thể xem ở nhà các phim yêu thích và trả tiền thuê trong vòng 48h. 

DANET cung cấp dịch vụ cho người xem trên mọi thiết bị cầm tay, đồng thời BHD đã kết hợp với các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ truyền hình để cung cấp gói xem phim trên tivi.

Việc các hãng phim phải cạnh tranh với các trang phim online vi phạm bản quyền là điều vô cùng khó khăn, vì những người vi phạm không phải bỏ tiền mua bản quyền, không phải bỏ tiền sản xuất nội dung, họ ăn cắp phim của các nhà sản xuất và quay trở lại cạnh tranh với chính những hãng phim này.

Đánh giá rất cao động thái của K+ và BHD trong việc chủ động cung cấp dịch vụ “tử tế” cho người dùng, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng (Thanh tra Bộ TT&TT) cho rằng, một thời gian dài các doanh nghiệp Việt Nam loay hoay tìm con đường kinh doanh hợp pháp trên mạng, họ rất muốn kinh doanh có bản quyền nhưng không đủ khả năng để đầu tư. Từ cuối năm 2015 đến nay xuất hiện nhiều doanh nghiệp tìm cách khai phá mở đường kinh doanh online hợp pháp như Film+ và BHD. Đây là những doanh nghiệp mở đường cho thời kỳ mới, từ đó việc kinh doanh phim có bản quyền sẽ dần tốt hơn. Bằng việc cung cấp dịch vụ nội dung có bản quyền trên Internet, bản thân các doanh nghiệp đã và đang chủ động trong việc bảo vệ bản quyền của mình.

Ông Toàn cho rằng, bảo vệ bản quyền là một cuộc chiến rất khó khăn. Bản quyền là vấn đề không phải ở Việt Nam mà các quốc gia đều quan tâm, vi phạm bản quyền không loại trừ một quốc gia nào cả, kể cả những nước rất phát triển. Công cuộc bảo vệ bản quyền vốn đã khó khăn, ở Việt Nam lại càng khó hơn do có những yếu tố đặc thù.

Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ là tương đối đầy đủ và áp dụng những tiến bộ của các Công ước quốc tế về bản quyền mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên khâu thực thi các quy định này còn nhiều hạn chế, khiến cho cuộc chiến chống bản quyền vẫn cam go.

Việt Nam đã ký Hiệp định TPP cũng được coi là cú hích trong việc thúc đẩy thực thi tôn trọng bản quyền trên môi trường mạng. Các quốc gia đối tác TPP như Mỹ, Nhật có những đòi hỏi rất lớn về bản quyền, do đó TPP sẽ tác động lớn đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh điện ảnh trên môi trường mạng.

Đồng thời, TPP cũng được coi là tiền đề rất tốt để các tổ chức quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận với nguồn nội dung có bản quyền hợp pháp.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận